Giãn dân phố cổ: Cần sự đồng lòng

Bùi Linh-Thứ hai, ngày 01/08/2011 07:00 GMT+7

Khu phố cổ là niềm tự hào của người Hà Nội, nhưng có một thực tế là nhiều giá trị vật thể và phi vật thể tại đây đang mai một theo thời gian, mà một trong những lý do quan trọng nhất là sự quá tải về dân số so với cơ sở hạ tầng.

Giãn dân phố cổ - đề án được cho là rất phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Mặc dù TP.Hà Nội đã có chủ trương từ khá lâu, nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án hiện vẫn đang chờ tới tháng 8 để được phê duyệt. Điều quan trọng nhất đối với đề án này là sự đồng lòng của những người dân đang sinh sống tại đây.

Những bất tiện trong sinh hoạt không thể tránh khỏi, đây là tình huống thường xuyên xảy ra ở một con ngõ trong khu phố cổ, khu vực vốn nổi tiếng cả trong nước và ngoài nước với tên gọi 36 phố phường.
Số nhà 53 Hàng Buồm vốn là một biệt thự cũ, tại đây đang có 200 người sinh sống. Chắc hẳn vị kiến trúc sư người Pháp nào đó sẽ không thể nhận ra được đây là biệt thự mà ông ta đã thiết kế. 200 người sử dụng chung 5 nhà vệ sinh, 2 nhà tắm.
Vì quá chật chội mà mọi người buộc phải tận dụng mọi không gian trong khu nhà. Bà Nguyễn Thị Nhẫn sống ở đây hơn 40 năm... ngôi nhà như bé lại qua năm tháng.
Bà Nguyễn Thị Nhẫn, số nhà 53 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi cũng muốn giãn ra cho nó đỡ khổ, nhưng mà phải làm thế nào có điều kiện để kiếm sống.
Chính vì sự nổi tiếng và phồn hoa mà những ai đã gắn bó với phố cổ sẽ rất khó khăn khi phải đưa ra một quyết định.
Anh Trần Hữu Thắng, số 36 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm (Hà Nội): “Từ năm 1954 tiếp quản Thủ đô, ông, bà, bố mẹ đã sinh sống ở đây và tôi cũng sinh ra tại số nhà 36 Hàng Ngang nên tôi không đi đâu cả”.
Không chỉ có mật độ dân cư cao, mà phố cổ cũng có mật độ di tích văn hóa, lịch sử dày đặc. Những di tích chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử, những chiến công oai hùng, những giá trị đích thực của người Hà Nội... Nhưng mỗi một ngày, những giá trị ấy lại bị bào mòn đi một chút vì sự chật chội, chen chúc.
Kiến trúc sư Trần Mạnh Chính, Chủ nhiệm Văn phòng Ban chỉ đạo quy hoạch và điều tiết xây dựng vùng Thủ đô cho rằng: Người ta hoàn toàn hiểu điều đấy, nhưng người ta chưa tin tưởng hay nói cách khác người ta chưa hiểu được bản chất của việc ra đi là cần thiết cho người ta, ra đi là tạo điều kiện cho người ta có một cuộc sống tốt hơn”.
Theo Đề án giãn dân phố cổ thì việc di dời người dân được chia làm nhiều giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến di dời 1.800 hộ dân sang khu đô thị mới Việt Hưng-Long Biên.
Hôm nay, ở số nhà 53 Hàng Buồm có 200 người, nhưng 5 năm nữa, con số sẽ lại tăng thêm và để sinh sống, chắc chắn ngôi nhà sẽ tiếp tục được cơi nới, biến dạng. Theo thống kê năm 2009, mỗi mét vuông phố cổ hiện có 8 người sinh sống. Trong tương lai, hình dạng phố cổ sẽ thế nào?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước