Giá trị Châu bản triều Nguyễn

Thùy Linh -Thứ tư, ngày 16/03/2011 09:00 GMT+7

Châu bản là hệ thống toàn bộ các Chiếu, Chỉ, Dụ của nhà vua, các văn bản chính thức được Vua ban dưới triều Nguyễn trong suốt thời gian 143 năm.

Trong suốt quãng thời gian dài như vậy, những châu bản chính là nguồn tư liệu hết sức quý giá để ngày nay chúng ta biết đến mọi lĩnh vực từ kinh tế văn hóa xã hội, ngoại giao của đất nước. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay, số lượng châu bản triều Nguyễn đang được lưu giữ được chỉ còn khoảng 1/5, nhưng ngày càng khẳng định tính độc nhất và giá trị lịch sử quý hiếm.

Những bản sớ đã được nhà Vua phê duyệt bằng mực son, có màu đỏ, tức là châu nên được gọi là châu bản. Đây là tài liệu đặc biệt quan trọng vì nó mang bút tích của nhà vua, vì vậy nó có tính độc bản, duy nhất, khác với mộc bản là những bản khắc gỗ được dùng để in sách, tài liệu và có thể in ra nhiều lần.

Trong năm 2010, nhà nghiên cứu về văn hóa Huế Phan Thuận An đã phát hiện ra những châu bản có giá trị liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ châu bản ghi ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (tức là năm 1939), và ông đã tặng lại cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 để làm cứ liệu lịch sử cho đấu tranh ngoại giao Việt Nam.

Ông Phan Thuận An, Nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho biết: “Châu bản cho biết nhiều thông tin thú vị như: Các tư liệu về canh tân đất nước, in tiền, đề xuất đi học nghề ở các nước phương tây, mua tàu chiến của Anh Quốc... Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 hiện lưu trữ 773 tập châu bản của 11 triều vua, được sắp xếp khoa học. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều châu bản cũng đã bị rách nát, hư hỏng”.

“Châu bản mang đến người đọc một cái nhìn toàn diện, rõ ràng, sâu sắc về đời sống kinh tế-xã hội thời Nguyễn và có giá trị đến hôm nay. Tuy nhiên, với lối viết theo quy tắc nghiêm cẩn, văn phong chặt chẽ, nên ngày nay, số người có thể dịch được châu bản cũng rất ít và những tài liệu này đang được số hóa để nhiều người có thể tiếp cận”. Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã nói.

Hiện Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đang xem xét những tiêu chí cần thiết để có thể trình UNESCO công nhận đây là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước