Cần có chính sách nhất quán
Cuối tháng 4 vừa qua, bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức tọa đàm về bảo tồn và sử dụng bền vững Động vật hoang dã (ĐVHD) nhằm trao đổi và tìm kiếm giải pháp tăng cường hiệu quả cho công tác bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam.
Chủ đề được quan tâm của cuộc thảo luận lần này đó là việc thực hiện song song chính sách khuyến khích “sử dụng bền vững” và chính sách bảo tồn ĐVHD. Hai chính sách này không chỉ đáp ứng được mục tiêu kinh tế mà còn phần nào giảm áp lực săn bắn lên các quần thể loài trong tự nhiên. Tuy nhiên, do thiếu một định hướng rõ ràng nên trong quá trình thực hiện các chính sách này đã dẫn tới sự mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn và mục tiêu phát triển bền vững.
‘ Báo hoa của Việt Nam
Hiểu một cách đơn giản nhất, hoạt động bảo tồn nhằm mục đích tăng cường bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên và hướng đến mục tiêu tái thả con vật ra môi trường hoang dã. Còn các chính sách khuyến khích “sử dụng bền vững” ĐVHD được thực hiện thông qua việc cho phép gây nuôi thương mại một số loài với mục đích sẽ làm giảm áp lực săn bắt lên các quần thể loài trong tự nhiên đồng thời mang lại một nguồn cung hợp pháp với giá thành thấp. Thế nhưng vì thiếu sự định hướng nên hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề chưa thể phân biệt rõ ràng giữa các cơ sở gây nuôi bảo tồn và các cơ sở gây nuôi thương mại.
‘ Chim trĩ của Việt Nam
Trong khi các cơ sở bảo tồn hướng đến mục tiêu tái thả con vật ra môi trường hoang dã thì các cơ sở gây nuôi thương mại lại gây nuôi ĐVHD nhằm vào mục đích lợi nhuận, từ việc bán thương phẩm, sản phẩm (cả với con sống và con chết) cho đến phục vụ mục đích thăm quan… Vì trú trọng vào lợi nhuận nên những cơ sở này không có kế hoạch khả thi cho việc tái thả con vật về môi trường tự nhiên và cũng ít quan tâm đến việc duy trì sự đa dạng nguồn gien. Việc lai tạo cận huyết và lai chéo thường xuyên xảy ra. Các hoạt động hỗ trợ bảo tồn như nghiên cứu và giáo dục cũng thường không được thực hiện.
Bên cạnh đó xuất phát từ việc thiếu định hướng cũng dẫn đến vấn đề nghiêm trọng khác. Đó là chính các chính sách quản lý ĐVHD hiện hành trong nước lại đang gây khó khăn cho các cơ quan thực thi bảo vệ ĐVHD trong việc quản lý các cơ sở nuôi nhốt. Do thịt ĐVHD có giá thành cao và đem lại nhiều lợi nhuận nhiều hơn so với các loài gia súc, gia cầm nên phần lớn các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD hoạt động với mục đích này.
‘ Tọa đàm về đa dạng sinh học
Chính điều này đã góp phần thúc đẩy thị trường và kích thích tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD, làm gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm từ ĐVHD đồng thời khuyến khích tiêu dùng thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu thực. Nhu cầu gia tăng đã dẫn đến việc khuyến khích việc săn bắt trộm chính loài vật đó trong môi trường tự nhiên. Khi chủ trại không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, họ đã trà trộn và đưa các loài ĐVHD hoang dã từ tự nhiên vào trang trại.
Trong khi đó, việc phân biệt giữa động vật gây nuôi hợp pháp và động vật bắt trái phép từ tự nhiên rất khó khăn vì các quy định hiện thời thiếu cơ chế truy xuất nguồn gốc của con vật. Điều này đã tạo khe hở cho gian lận và hoạt động buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD gia tăng đồng thời khiến cho các cơ quan thực thi bảo vệ ĐVHD gặp khó trong việc xử lý.
‘ Để giải quyết được những vấn đề này, thì các quy định ngoài việc phân biệt rõ giữa các cơ sở gây nuôi bảo tồn và gây nuôi thương mại còn cần phải đặt ra các yêu cầu chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng để đánh giá chất lượng và cho phép đăng ký cơ sở gây nuôi bảo tồn.
Ngoài ra, các quy định quản lý các cơ sở nuôi nhốt phải được củng cố nhằm xóa bỏ các lỗ hổng, sự bất cập và các yếu điểm. Đặc biệt, cần phải xây dựng các quy định cụ thể phân biệt giữa động vật gây nuôi và động vật bắt từ tự nhiên, các sản phẩm hợp pháp và bất hợp pháp và việc kiểm tra nguồn gốc con vật.
Và tăng cường hợp tác quốc tế
Song song với việc định hướng rõ ràng trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐVHD, một vấn đề khác được đặt ra là cần đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế mà trước hết ở việc học hỏi những mô hình bảo tồn ĐVHD ở các quốc gia đã áp dụng thành công. Đơn cử như tại Nam Phi đã thành công vơi chính sách cấp quốc gia khuyến khích các trang trại chăn nuôi ĐVHD tư nhân và sử dụng như một công cụ quản lý ĐVHD.
Các nguồn thu từ du lịch sinh thái và các khoản phí liên quan đến săn bắt hợp pháp sẽ được trích cho hoạt động bảo tồn ĐVHD. Đặc biệt, mô hình này đã giúp khôi phục quần thể tê giác trắng từ khoảng 20-50 cá thể vào đầu những năm 90 lên tới hơn 20.000 cá thể vào năm 2013.
‘ Đoàn đại biểu của Việt Nam trong chuyến công tác tại Nam Phi hồi tháng 3
Hay như mô hình quản lý ĐVHD “Không săn bắn” ở Nê-pan. Các sáng kiến trong Đạo luật bảo tồn ĐVHD và Khu bảo tồn của Nepal (1973) và Đạo luật rừng (1993) cũng cho thấy nhiều điểm mạnh trong công tác bảo vệ ĐVHD. Chẳng hạn, các cán bộ kiểm lâm có quyền điều tra và khởi tố tội phạm liên quan đến ĐVHD, giúp đẩy nhanh quá trình xử án. Các luật này cũng cho phép áp dụng mức hình phạt lên tới 15 năm tù giam cho các tội danh như giết hại, gây thương tích, bán, mua hoặc vận chuyển các loài ĐVHD được bảo vệ và treo giải thưởng bằng tiền cho những nguồn tin giúp bắt giữ thành công nghi phạm giết hại hoặc gây thương tích cho các loài được ưu tiên bảo vệ. Một điểm chung giữa các mô hình này đó là đã đem lại một môi trường sống chất lượng cho ĐVHD, đem lại nguồn thu ổn định và tạo động lực cho người dân địa phương bảo tồn ĐVHD.
Cùng với việc học hỏi mô hình này, Việt Nam cũng cần có sự hợp tác với các quốc gia trong việc cấm buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD. Đơn giản như trong trường hợp của Nam Phi. Mặc dù đã phục hồi thành công các quần thể tê giác nhưng chính sách tiếp tục cấp giấy phép săn bắn tê giác, công nhận giá thị trường của tê giác đã tạo ra mâu thuẫn với chính sách kêu gọi giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam và Chính Phủ Nam Phi cần phải có sự phối hợp để đảm bảo thống nhất. Bởi nếu như Nam Phi tiếp tục cấp phép săn bắn hoặc hợp pháp hóa buôn bán tê giác và các loài ĐVHD khác sẽ gây ảnh hưởng tới công tác đấu tranh, chống buôn bán tiêu thụ trái phép ĐVHD tại Việt Nam.
Thu Huệ