Đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia

Cẩm Tú-Thứ hai, ngày 29/08/2011 16:30 GMT+7

UBND TP.Đà Nẵng vừa lập hồ sơ gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 hiện vật quý của Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) là Bảo vật Quốc gia.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Niên đại: Thế kỷ VII–VIII; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn - Quảng Nam).

Ba hiện vật quý của Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) gồm: Tượng bồ tát Tara Đồng Dương, Đài thờ Trà Kiệu và Đài thờ Mỹ Sơn E1.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 7-8, niên đại sớm nhất trong các đài thờ Chămpa được tìm thấy, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại khu di tích Chămpa ở Mỹ Sơn. Đây là đài thờ duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn, là một cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và Chămpa nói chung.
Cách thức điêu khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà nghiên cứu nghệ thuật xem là tiêu biểu cho một phong cách ổn định sớm nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Chăm, (phong cách Mỹ Sơn E1).

‘ Tượng Bồ tát Tara (tượng Phật Đồng Dương) bằng đồng là hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết: “Về mặt nghệ thuật, các chủ đề trang trí quanh Mỹ Sơn E1 rất phong phú, qua đó các nhà nghiên cứu tìm thấy mối giao lưu giữa nghệ thuật Chăm với nghệ thuật của khu vực Đông Nam Á trong cùng giai đoạn, đồng thời giữa giao lưu văn hóa, nó cũng thể hiện tính chất bản địa của nghệ thuật Chăm”.
Đài thờ Trà Kiệu lại hé mở về những dấu vết kiến trúc của một tòa thành cổ từng là kinh đô 1 thời của vương quốc Chăm ở Trà Kiệu cách đây hơn 1.000 năm. Mỗi hình tượng, động thái của từng hình tượng trên Đài thờ Trà Kiệu được chạm khắc rất sinh động, tinh xảo và được thể hiện liên hoàn, kể về 1 câu chuyện gắn liền với tín ngưỡng và văn hóa của người Chăm. Bố cục của Đài thờ biểu hiện quan niệm tín ngưỡng của người Chăm và các nhà nghiên cứu cho rằng, Đài thờ này đại diện cho một phong cách nghệ thuật nổi tiếng - phong cách Trà Kiệu có niên đại từ giữa đến cuối thế kỷ thứ 10.

‘ Đài thờ Trà Kiệu.

Tượng bồ tát Tara có giá trị tiêu biểu cho Phật viện được xem là lớn nhất Đông Nam Á, từng tồn tại cuối thế kỷ 9 tại Đồng Dương Quảng Nam. Theo các nhà nghiên cứu, đây là tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm từng được phát hiện và là tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, hội tụ tất cả những đặc điểm của phong cách Đồng Dương.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: “Chúng tôi nghĩ rằng, 3 hiện vật được làm hồ sơ lần này hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí để công nhận bảo vật quốc gia, trước hết, đó là những hiện vật độc bản nguyên gốc, thứ hai là mỗi hiện vậy tiêu biểu cho 1 phong cách nghệ thuật, 1 giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc Chăm”.
Mỗi hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đều chứa đựng trong đó giá trị văn hóa và cả nét kiến trúc độc đáo của người Chăm xưa. Và 3 hiện vật được nộp hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia thực sự là kiệt tác có một không hai, chứa đựng trong đó nhiều câu chuyện lịch sử. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận, thì đây là 3 bảo vật quốc gia đầu tiên được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước