Cồng chiêng - Không gian văn hóa Mường

Thanh Huyền-Thứ hai, ngày 23/01/2012 12:00 GMT+7

Văn hóa Mường rất đặc sắc và phong phú, trong đó âm nhạc cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Mường.

Người Mường coi mỗi tiếng chiêng có hồn riêng, dàn chiêng được tấu lên làm nên "hồn vía" trong không gian đất Mường, hồn vía ấy là sự cộng hưởng của những tâm hồn riêng.
Đời người Mường từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường ma đã luôn gắn bó với cồng chiêng. Âm thanh của cồng chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông suối hòa nhịp tiếng nói, hòa quyện với nhịp thở của mỗi người dân bản Mường.
Ông Bùi Văn Thực, phường Chăm Thái Bình, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Cồng chiêng là hồn trong mỗi con người trong dân tộc Mường, vì tiếng chiêng trước hết là hiệu lệnh, thứ hai là tiếng của ngày hội, ngày vui, là tiếng rừng sâu núi thẳm. Tiếng cồng chiêng líu lo như chim hót trong khung cảnh hoạt động, không gian của văn hóa Mường. Nó động âm, động thanh, động tâm động tính… Tiếng chiêng thể hiện được tất cả những âm hưởng đó”.
Chiêng của người Mường chủ yếu dành cho các công việc cộng đồng. Vào dịp lễ hội, các gia đình tự nguyện mang chiêng ra để tham gia hoạt động chung của bản, của Mường. Việc mang chiêng ra góp vào hoạt động chung của bản với người Mường vừa là trách nhiệm và quyền lợi.
Đặc biệt hơn, trong ngày Tết cổ truyền, người Mường ở Hòa Bình đến nay còn duy trì tập tục dùng một chiếc chiêng cổ của gia đình gõ ba hồi dài lúc giao thừa để mời tổ tiên về ăn tết. Họ tin rằng, tổ tiên nhớ tiếng chiêng vốn quen thuộc khi còn sống, sẽ về đúng nhà của con cháu.
Sang ngày mùng một đầu năm, các tay chiêng giỏi trong phường bùa của bản của Mường lại cùng nhau mang chiêng đi chúc tết. Các bài chiêng được đánh khi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, xen kẽ giữa những lần hát chúc, hát đối của phường bùa được bà con Mường trân trọng, bởi với họ, tiếng chiêng là âm thanh mang đến sự may mắn, niềm vui cho một năm mới.
Giờ đây dưới những tác động của sự phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mường cũng đã bị mai một. Thế nhưng ở các bản mường, trong mỗi gia đình người Mường, cồng chiêng vẫn là vật quý được trân trọng, gìn giữ và truyền cho các thế hệ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước