Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam

Ngọc Hà-Thứ sáu, ngày 23/09/2011 07:00 GMT+7

Vào những ngày cuối tháng 1/1960, những chiếc thuyền buồm thô sơ của Tiểu đoàn vận tải thủy 603 chở theo 5 tấn vũ khí, thuốc men bắt đầu chuyến đi biển đầu tiên.

“Tàu không số” góp công lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Dù không đến được bến, nhưng từ đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đã thành lập đoàn vận tải 759 vào ngày 23/10/1961, và chỉ chưa đầy 1 năm sau, chiếc tàu chở vũ khí đầu tiên từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam rời bến Hải Phòng.

Tại bến K15, Đồ Sơn (Hải Phòng) - nơi cách đây nửa thế kỷ, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên mang tên Phương Đông 1 đã rời bến, mang gần 30 tấn vũ khí đã vượt qua sự kiếm soát gắt gao của đối phương để cập bến Vàm Lũng (Ca Mau) một cách an toàn sau gần 10 ngày đi biển. Thành công của tàu Phương Đông 1 đã “dệt nên” một con đường huyền thoại trên biển Đông - đường Hồ Chí Minh trên biển, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với nơi xa xôi nhất, gian khổ nhất của chiến trường miền Nam.
Sau gần nửa thế kỷ, kể từ khi tàu Phương Đông rời bến, hôm nay, các tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học cùng các cựu chiến binh của Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) một lần nữa đã khẳng định lại việc hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Ông Hồ Đắc Thạch, Cựu chiến binh Đoàn tàu không số kể lại: “Tàu không số không phải là tàu không có số, mà là rất nhiều số. Qua mỗi vùng biển thì tôi có một số, và qua mỗi vùng biển - tùy theo tình hình thì tôi có một cờ quốc tịch khác. Đi đoàn tàu không số phải chấp nhận 2 cái chết. Một cái chết do bão tố, cái chết thứ 2 là gặp nhau, phải đánh, khác với anh lính trên bộ. Như tàu 165, toàn tàu không còn một người, khi cần có thể hy sinh”.
Mỗi chuyến tàu chỉ chở được vài chục tấn vũ khí, nhưng mỗi chuyến lại là một cuộc đấu trí căng thẳng với những cuộc vây ráp của kẻ thù. Thậm chí phải lợi dụng cả những lúc bão giông để đưa hàng vào bến. Thế nên, mỗi chiến sỹ của Đoàn tàu không số khi ra khơi là sẵn sàng sống chết với con tàu và hàng hóa. Và sự hy sinh của họ cũng không được nhiều người biết đến.
Ông Trần Văn Hữu, Cựu chiến binh Đoàn tàu không số cho biết: “Trên con tàu ấy khoang mũi, khoang hàng… đều có gắn bộc phá, khi mà có lệnh hủy tàu thì thuyền trưởng và máy trưởng hủy tàu, còn anh em bơi vào bờ. Mục đích là giữ bí mật con đường, không để hàng rơi vào tay địch”.
Trong 14 năm ròng rã, 150 ngàn tấn vũ khí, hàng hóa đã được những con tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhưng cũng có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Đoàn đã không được nhìn thấy ngày toàn thắng. Song tầm vóc của con đường đã trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng quân đội hôm nay.
Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: “Từ thắng lợi này, chúng ta có nhiều bài học rút ra. Trước hết đối với chúng ta ý chí bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền như những cán bộ, chiến sỹ của Đoàn tàu không số trước đây đã đi, đã đến, thậm chí có những lúc đi như là cảm tử, báo tử, nhưng sẵn sàng hy sinh để hướng về miền Nam, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Những con người quả cảm của Đoàn tàu không số đã làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, và cũng chính họ là những người đã viết nên bản anh hùng ca về sự xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc và về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước