Chính sách kinh tế mới của Lênin

Phương Mai-Thứ năm, ngày 22/04/2010 16:33 GMT+7

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Vladimir Ilyich Lenin (22/4/1870-22/4/2010), trong những di sản của ông để lại, chính sách kinh tế mới NEP ngày càng được nhắc tới nhiều hơn với những giá trị mang tính thời đại sâu sắc.

Nhờ có việc áp dụng chính sách kinh tế mới NEP đúng thời điểm, mà chính quyền Xô viết đã nhanh chóng thoát ra cuộc khủng hoảng, mặc dù xuất phát điểm kinh tế lạc hậu và kiệt quệ ảnh hưởng nặng nề từ nội chiến.

Năm 1921, sau hậu chiến, ngay lập tức Lênin đã đề xướng việc áp dụng Chính sách kinh tế mới (NEP) thay cho chính sách "cộng sản thời chiến". Là một nước nông nghiệp nên nội dung quan trọng đầu tiên của của NEP hướng về nông dân, thực hiện chế độ thu thuế lương thực, cho phép người nông dân sau khi nộp thuế cho nhà nước được tự do buôn bán, trao đổi sản phẩm. Cơ chế này đã khuyến khích hàng hoá sản xuất nhiều và lưu thông nhanh chóng, quyền lợi của người nông dân tỷ lệ thuận với sự tích luỹ của xã hội.

Trong chính sách kinh tế mới, Lênin cũng tháo bỏ cơ chế giao nộp, trưng thu của chính sách cộng sản thời chiến, mà thay vào đó là cơ chế trao đổi hàng hoá, phương thức này đã làm hồi sinh các ngành kinh tế và toàn bộ xã hội cả ở thành thị và nông thôn đáp ứng cung và cầu theo sự vận hành của thị trường hàng hoá. Dấu ấn nổi trội trong chính sách kinh tế mới được nhắc đến nhiều nhất khi Lênin đưa ra công thức: ính quyền xô viết + Điện khí hoá.

Lê nin cũng cho rằng, muốn thực sự xây dựng được CNXH thì phải học hỏi và tiếp nhận những thành tựu khoa học và phương pháp quản lý của CNTB.

Ông Hoàng Ngọc Hòa, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế phát triển, Học viện HCQG HCM: “Trong bối cảnh của nước Nga lúc đó, Lênin nói là muốn có CNXH thì phải tiếp nhận tiếp thu những tinh hoa, trí tuệ, thành tựu khoa học công nghệ của CNTB mà Lênin đánh giá đó là của Đức, Mỹ và các nước tư bản phát triển. Đó là những thành tựu mà CNXH phải kế thừa và phải biết tiếp nhận để tạo nên cơ sở vật chất thì mới có CNXH thực sự”.

Những quan điểm của Lênin trong chính sách kinh tế mới còn đề cập đến phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát triển quan hệ hàng hoá tiền tệ kinh tế thị trường. Lênin cũng khuyến khích hợp tác kinh tế với nước ngoài để tiếp thu những tiến bộ của các nền kinh tế phát triển. Lênin đã nhìn nhận CNTB ở những khía cạnh tích cực và chủ trương sử dụng những tiến bộ của CNTB để xây dựng XHCN ở những nước kinh tế chậm phát triển. Với việc vận dụng chính sách kinh tế mới phù hợp, nên chỉ sau đó khoảng 4-5 năm, nước Nga đã vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, là tiền đề cho sự phát triển sau này .

Ông Trần Nguyên Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tây Bắc Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TW Đảng: “Chính sách kinh tế mới của Lênin cốt lõi là ở chỗ tư duy CNXH sử dụng phương pháp mới, nhận thức mới về CNXH, với sự thừa nhận tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần và việc sử dụng mối quan hệ kinh tế giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, việc sử dụng các hình thức kinh tế quá độ để xây dựng CNXH, và chúng ta biết rằng, đó là những nhận thức rất mới, hoàn toàn khác với giai đoạn trước đây CNCS thời chiến”.

Những ý tưởng mới mẻ về sự đột phá của Lênin trong việc quyết định từ bỏ cơ chế “Cộng sản thời chiến” chuyển sang thực hiện “Chính sách kinh tế mới” nhằm tiến hành một sự cải tổ quan trọng, đã cung cấp cho Việt Nam cơ sở lý luận và thực tiễn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế - xã hội trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Và những thành tựu trong 20 năm Đổi mới của Việt Nam đã chứng minh rõ ràng nhất, sống động nhất nhiều luận điểm của Lênin trong chính sách kinh tế mới hoàn toàn đúng đắn và vẫn nguyên giá trị hiện thực, mặc dù thế giới có nhiều thay đổi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước