Nhiều đại biểu cho rằng, việc đổi mới một cách căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học đang là đòi hỏi cấp bách đối với đất nước và điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết 11 của Đảng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận vì chất lượng giáo dục còn nhiều yếu kém hiện nay. Dưới đây là một số câu hỏi chất vấn và câu trả lời đáng chú ý tại phiên họp sáng nay:
Ông Phan Văn Tường, đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Tuyển sinh điểm sàn không tăng, nhiều trường có nguy cơ đóng cửa, số lượng sinh viên học nước ngoài tăng… Nguyên nhân tình trạng đó và giải pháp của Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Việc không tuyển đủ sinh viên vào các trường Đại học và Cao đẳng không phải là vấn đề chỉ của năm nay. Những năm vừa rồi, có nhiều trường không đủ do một số ngành học mặc dù nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết nhưng đầu ra khó, chính sách đãi ngộ còn chưa hợp lý, ví dụ như các ngành Nông lâm ngư nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm. Ngoài ra, có những trường mới thành lập, một số nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, chất lượng tốt, nhưng không ít trường không nghiêm túc, thiếu cơ sở trường lớp, thiếu cô giáo, không thu hút được học sinh, như trường Hà Hoa Tiên chỉ tuyển được 10% sinh viên.
Ông Hà Công Long, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Việc ban hành văn bản chậm, từ 2008 đến nay, giáo viên dạy mầm non chưa được tăng phụ cấp theo quyết định của Chính phủ. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần làm rõ vấn đề nêu trên?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trước kia, nhận thức về ngành mầm non chưa đầy đủ, nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 60 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, cần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, xóa bản trắng, làng trắng, điểm trường mầm non…
Cùng với các vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về các giải pháp liên quan đến việc nâng cao dân trí ở những vùng nông thôn, miền núi, những vùng khó khăn. Các cơ chế, chính sách đồng bộ quan tâm đến ngành giáo dục, từ chế độ tiền lương, thưởng, nội dung sách giáo khoa…
Kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Mặc dù có chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng từ Mầm non tới Đại học, tuy nhiên chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. So với các nước trong khu vực và quốc tế, giáo dục còn ở mức thấp ở các cấp học. Qua chất vấn, giải trình lần này, ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ tốt hơn, căn bản hơn.
Tin bài liên quan: