Nhập siêu cũng tiến đến 12,4 tỷ USD, giảm so với năm 2009 (so với 12,85 tỷ USD) và chiếm khoảng 17,3%, hoàn thành chỉ tiêu khống chế dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2010.
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại đầu tiên là kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nhưng đi kèm với nó là sự tăng trưởng số lượng lớn hàng xuất khẩu - thay vì tăng trưởng các giá trị gia tăng và tương quan giá trị xuất nhập khẩu mất cân đối.
Cụ thể, Việt Nam phải xuất khẩu tới hơn 7,2 triệu tấn gạo để thu về hơn 3 tỉ USD, nhưng riêng nhập khẩu chất dẻo cũng đã mất gần 3,4 tỉ USD. Hay như xuất khẩu da - giày đạt con số 4,5 tỉ USD thì riêng nhập khẩu nguyên phụ liệu đã mất tới gần 2,4 tỉ USD.
Một mối lo khác là Việt Nam đang ngày càng xuất khẩu nhiều tài nguyên và khoáng sản, trong đó đáng lưu ý là các mặt hàng như dầu thô, than đá, vàng... Theo tính toán, đến khoảng năm 2015 rất có thể Việt Nam phải nhập khẩu than đá trở lại. Tương tự, mặt hàng dầu thô, các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam cứ xuất khẩu nhiều mặt hàng này thì rất có thể chỉ trong 10 năm tới cũng sẽ phải nhập khẩu trở lại để cung cấp cho chính các nhà máy lọc dầu Việt Nam.
Đi kèm cảnh báo trên, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần thận trọng với chính sách xuất nhập khẩu chưa bền vững hiện nay. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn, nhưng phần lớn phân bón, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu. Tương tự, Việt Nam có thế mạnh là xuất khẩu hàng dệt - may, thế nhưng gần như toàn bộ nguyên liệu đầu vào như vải sợi, bông... lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Các chuyên gia cảnh báo: Việc mất cân bằng nghiêm trọng này sẽ khiến Việt Nam bị động về nguyên liệu, đánh mất lợi thế tài nguyên, tiếp tục trở thành quốc gia nhập siêu trong thời gian tới...