Từ phản ánh của các hộ nuôi tôm, thời gian qua, Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thẩm tra, xác minh hơn 10 hồ sơ đề nghị bồi thường của người dân. Kết quả là các trường hợp này đều có dấu hiệu vi phạm hợp đồng. Do đó công ty Bảo Việt Sóc Trăng phải có hình thức xử lý như từ chối bồi thường hoặc chỉ chi trả 20 – 30% giá trị hợp đồng.
Ông Quách Pái, Phó Giám đốc công ty Bảo Việt tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Qua xác minh, chúng tôi thấy có tình trạng kiểm tra 15 ngày, 25 ngày mà ao không có tôm, cải tạo ao không đúng kỹ thuật, khai báo thiệt hại không đúng. Ngoài ra còn có trên 30 hồ sơ không có phiếu xét nghiệm của thú y”.
Theo công ty Bảo Việt Sóc Trăng, sở dĩ có tình trạng này là do quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm tôm thời gian qua còn nhiều kẻ hở. Bởi nhân lực quá mỏng nên việc kiểm tra, giám sát tình hình thả nuôi bị buông lỏng, chưa chặt chẽ. Chính vì vậy, việc thả ít báo nhiều, kéo dài thời gian khai báo thiệt hại để hưởng chênh lệch…xuất hiện ở nhiều nơi.
Hiện nay chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế tiếp tục xác minh, thẩm tra hơn 100 hồ sơ có dấu hiệu bất thường.
Ông Nguyễn Văn Nhất, người dân xã Liêu Tú, Trần Đề, Sóc Trăng cho biết: “Người nuôi tôm không được hướng dẫn về nguyên tắc bảo hiểm. Nuôi tôm càng lớn, bảo hiểm càng nhiều. Đây là một kẻ hở để lợi dụng lấy tiền bảo hiểm”.
Ông Quách Pái cho biết thêm: “Hiện nay Ban chỉ đạo đã tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này như thành lập tổ kiểm tra, giám sát, công khai các thủ tục cần thiết khi có yêu cầu bồi thường để hạn chế tiêu cực”.
Với những gì đang diễn ra tại Sóc Trăng, có thể nói tình trạng người nuôi tôm muốn được hưởng nhiều lợi ích mà vi phạm hợp đồng bảo hiểm đã manh nha xuất hiện. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của chương trình.
Do đó, chỉnh sửa, hoàn thiện quy tắc bảo hiểm, ban hành các hình thức chế tài nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm là việc cần làm hiện nay.