Cần sớm có quy chế quy hoạch bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội

Bùi Linh-Thứ bảy, ngày 26/12/2009 14:53 GMT+7

Với hiện trạng xuống cấp và biến dạng nghiêm trọng như hiện nay của các biệt thự, cũng như việc thiếu ý thức của người dân, sự lúng túng trong việc xử lý các vi phạm xâm hại đến biệt thự cổ, thì việc cần sớm đưa ra quy chế và phương án quy hoạch bảo tồn là điều hết sức cần thiết.

Theo kết luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ, đồng thời, nghiêm cấm hành vi tự ý phá dỡ, cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản trong nhà biệt thự dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, với hiện trạng xuống cấp và biến dạng nghiêm trọng như hiện nay của các biệt thự, cũng như việc thiếu ý thức của người dân, sự lúng túng trong việc xử lý các vi phạm xâm hại đến biệt thự cổ, thì việc cần sớm đưa ra quy chế và phương án quy hoạch bảo tồn là điều hết sức cần thiết.

Một quán cà phê, lối vào nhỏ hẹp và những “chuồng cọp” lấn chiếm không gian khiến cho không gian của Biệt thự số 64 đường Trần Hưng Đạo - Hà Nội là điển hình của tình trạng phá dõ, cơi nới bừa bãi ở hầu hết biệt thự cổ tại HN.
80% trong tổng số hơn 900 biệt thự cổ Hà Nội bị phá vỡ cảnh quan, biến dạng. Người dân chưa có ý thức giữ gìn, còn cấp quản lý cơ sở cũng chưa có hướng giải quyết cụ thể những trường hợp cơi nới xây dựng lấn chiếm trái phép vì chưa có quy chế bảo tồn biệt thự cổ…
Bà Đinh Thị Thêu - Biệt thự 64 Trần Hưng Đạo - P.Trần Hưng Đạo - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội cho biết: Tình trạng lấn chiếm diện tích, xây dựng như thế mà chúng tôi nhiều lần đưa đơn kiện ra phường, ra quận, các anh ở phường cũng chẳng giải quyết, nhận đơn cũng chẳng nói có giải quyết lấn chiếm này hay không.
Do nhu cầu về diện tích để làm văn phòng, kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là nhu cầu về nhà ở tăng nhanh, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây lại thành nhà nhiều tầng khiến Hà Nội bị mất đi giá trị về kiến trúc cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Tuất - Biệt thự 59A Hai Bà Trưng - Phường Cửa Nam - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội có ý kiến: "Nhà xuống cấp trong nhiều năm rồi, số hộ dân trong mỗi căn lại tăng thêm nên bà con vì điều kiện cuộc sống ăn ở chật hẹp nên cũng có cơi nới 1 chút… Tuy nhiên nó xuống cấp quá rồi, chúng tôi cũng rất lo không biết phải sửa chữa như thế nào nên cũng rất mong nhà đất, các cấp quan tâm hướng dẫn hoặc hỗ trợ tu sửa để người dân ăn ở tốt hơn…"
GS.TS Nguyễn Lân - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam - Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng việc xây dựng quy chế cũng có lộ trình thời gian, cũng phải tính đến nhiều vấn đề nhất là giải quyết chỗ ăn ở tạm thời cho những hộ dân trong các biệt thự cổ…
Hàng trăm căn biệt thự cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX một thời là niềm tự hào của người Hà Nội. Thế nhưng tất cả đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng bởi thời gian, và đặc biệt là sự thiếu ý thức của người dân. Những biệt thự cổ đã biến dạng và đang dần trở thành phế tích này liệu có thể “hồi sinh”? Tất cả đều đang chờ vào việc các nhà quản lý đưa ra phương án quy hoạch và quy chế bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước