Vì bị Uỷ ban chứng khoán cấm nên thuê mượn chứng khoán chỉ được thực hiện một cách âm thầm giữa nhà đầu tư với nhau, hoặc giữa nhân viên công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước cung cầu ngày càng cao trên thị trường, hầu hết các công ty chứng khoán đều bật đèn xanh cho dịch vụ này. Một số công ty còn đứng sau hậu thuẫn tích cực cho nhà đầu tư hoặc vào cuộc làm vị trí trung gian để thu hút khách.
Theo các thành viên thị trường, dịch vụ thuê mượn chứng khoán giúp người cho thuê bảo toàn được lượng chứng khoán trong tài khoản, không phải làm gì mà vẫn có lợi nhuận. Còn người đi thuê có thể kiếm được tiền mà không phải bỏ nhiều vốn. Tác dụng lớn nhất của hoạt động thuê mượn cổ phiếu này là rút ngắn thời gian giao dịch từ T+4 xuống còn T+2, T+1 thậm chí T+0.
Lãi suất của dịch vụ cho thuê chứng khoán dao động từ 0,06 đến 0,07%/ngày của khoản tiền bán số chứng khoán được. Rất hấp dẫn nhưng không phải cổ phiếu nào cũng cho thuê được. Hiện nay, được hỏi thuê nhiều nhất là KLS của công ty chứng khoán Kim Long, lý do là công ty này đang có hơn 1.800 tỷ đồng gửi tại ngân hàng, đủ để đảm bảo KLS không bị biến thành giấy lộn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Vì bị Uỷ ban chứng khoán cấm khi cho rằng đây là bán khống, các thương vụ thuê mướn đều được thực hiện bằng thỏa thuận miệng hoặc cùng lắm là hợp đồng dân sự giữa các cá nhân với nhau. Chính vì thế đã xảy ra không ít tranh chấp.
Dù bị cấm đoán và chứa đựng nhiều rủi ro nhưng dịch vụ này đang được các nhà đầu tư mạnh tay sử dụng. Điều này cho thấy nhu cầu, hay nói đúng hơn là khát khao của thị trường về những cơ chế giao dịch linh hoạt, đa dạng sau hơn 10 năm hoạt động của thị trường chứng khoán.