Tác phẩm “Cội xưa” của hoạ sĩ trẻ Phạm Thị Hoài, có diện tích 170,5 m2, nặng 1,2 tấn, được hơn 100 thợ thêu, nghệ nhân của làng nghề thêu Văn Lâm (Ninh Bình) thực hiện trong gần 2 năm. Áp dụng kỹ thuật thêu ren truyền thống tinh xảo, bức tranh được trình bày dưới dạng “đơn tuyến huỳnh đồ”, với 3 phần chứa đựng những nội dung ý nghĩa sâu sắc về lịch sử miền đất cố đô Hoa Lư gắn liền với các triều đại Đinh - tiền Lê - Lý.
Bố cục từng phần của bức tranh nói lên sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt, tái dựng phong cảnh cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, cùng những hình ảnh đặc trưng sơn thuỷ hữu tình của vùng đất này.
Phần cuối của bức tranh là “Chiếu dời Đô” của vua Lý Công Uẩn đánh dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu thời kỳ mới của Thăng Long - Hà Nội. Triển lãm trưng bày tác phẩm tranh thêu “Cội xưa” được diễn ra đến hết ngày 29/8.