Quán cà phê… Những cửa hàng mặt phố… Những chuồng cọp ở những biệt thự cổ… Và thậm chí là biệt thự cổ ở vị trí này đã biến mất, thay vào đó là một tòa nhà cao tầng hiện đại. Phần lớn các biệt thự có từ 10 - 15 hộ ở, cá biệt có biệt thự có tới 35 - 40 hộ ở.
Thành phố hiện đang quản lý 970 biệt thự cổ. Tuy nhiên chỉ có 15% biệt thự còn nguyên trạng trong khi tỷ lệ đã bị cải tạo, biến dạng trong quá trình sử dụng chiếm tới 80% và 5% còn lại thì đã phá đi xây dựng lại. Đây là kết quả của việc sử dụng quỹ nhà biệt thự với nhiều mục đích khác nhau, cũng như quá tải về số dân ở trong các biệt thự.
Cải tạo, cơi nới, lấn chiếm, biến dạng là một trong những vấn đề nan giải trong quá trình bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc sử dụng các quỹ nhà biệt thự đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý, không tận dụng được những nét đẹp đặc thù của biệt thự mà còn phá vỡ kiến trúc cảnh quan, ảnh hưởng đến kết cấu của biệt thự, mà còn làm mất dần những nét đẹp riêng có của Hà Nội.
Tài sản vô giá
Lang thang giữa những phố phường Hà Nội, tìm kiếm, và phác họa những nét kiến trúc độc đáo, đặc biệt là từ những căn biệt thự cổ thời Pháp thuộc, đó là sở thích của kiến trúc sư Vũ Minh Tú. Anh cho rằng, trong di sản gần 1000 căn biệt thự cổ của Hà Nội, có rất nhiều sáng tạo vô giá về ý tưởng kiến trúc, và mỗi căn biệt thự là tổng hợp của rất nhiều sáng tạo kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao.
Căn biệt thự số 19 phố Nguyễn Biểu được kiến trúc sư Tú đánh giá là còn gần như nguyên trạng. Những hộ dân sống ở đây giải thích, đó là vì họ luôn nhắc nhở nhau, dù yêu cầu cuộc sống có thúc bách đến mấy, cũng cố gắng không xâm hại đến kiến trúc ngôi biệt thự ngót trăm năm tuổi này.