Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa về kinh tế hiện nay vẫn thường dấy lên những lo ngại về sự ô nhiễm môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có một thứ ô nhiễm khác cũng trầm trọng và có thể nói là nghiêm trọng hơn cả ô nhiễm môi trường đó là ô nhiễm xã hội. Không bao giờ là sớm khi bắt đầu những hành động thiết thực trên toàn xã hội để cải thiện môi trường xã hội, xây dựng một cuộc sống an toàn, hạnh phúc.
‘ (Ảnh minh họa)
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, vụ án Nguyễn Phước Thành tưới xăng thiêu sống người mình yêu ngay trên đường phố Đà Nẵng đã gây một cú sốc trong dư luận. Đây có thể xem là đỉnh điểm gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo hành trong cách giải quyết các mâu thuẫn cá nhân.
Chỉ cần gõ một từ khóa vào công cụ tìm kiếm trên internet, người ta dễ dàng có ngay hàng triệu kết quả, với đủ thứ thông tin đáng sợ về các vụ bạo hành và những hậu quả nặng nề.
Có thể vì các phương tiện thông tin đại chúng phát triển, thông tin được cập nhật, chia sẻ với tốc độ nhanh khiến người ta dễ có ấn tượng những vụ việc diễn ra dày đặc. Nhưng không thể phủ nhận rằng, đó là hiện tượng có thật và đang bùng nổ theo quả bom thông tin thời kỹ thuật số.
Con người ngày càng văn minh hơn, đời sống ngày càng phát triển và hướng đến những giá trị tốt đẹp. Vậy vì đâu những hiện tượng "phi nhân tính" lại xuất hiện ngày càng nhiều, theo những hình thức một con người bình thường khó mà hình dung nổi?
Những giá trị nhân bản không chỉ hình thành trong mỗi người qua con đường giáo dục ở nhà trường. Xã hội với những áp lực thường xuyên và rộng khắp, vẫn là nơi kiểm soát và điều chỉnh tốt nhất hành vi của mỗi người. Tạo dựng một môi trường xã hội trong sáng, nhân bản đi đôi với giáo dục là tiền đề để tạo nên những con người biết hành xử văn minh, nhân ái.