Đảm nhiệm vai trò thông tin tại hậu phương, bên cạnh Đài Tiếng nói Việt Nam còn có Việt Nam Thông tấn xã (bây giờ là Thông Tấn xã Việt Nam), báo Cứu quốc (bây giờ là báo Đại Đoàn kết), báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân ở hậu phương cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Những bản tin chiến sự của Đài Tiếng nói Việt Nam được duyệt tại chỗ, phát sóng trực tiếp. Bộ phận vô tuyến điện liên hệ chặt chẽ, suốt ngày đêm với tổ báo chí của Bộ Chỉ huy tiền phương. Trong mọi thông tin đều không nhắc chiến dịch Điện Biên Phủ mà dùng mật danh “Trần Đình”; “Ngọc” là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ đã thành lập những nhóm công tác đặc biệt, đặt tại Bó Lù, một bản nhỏ hẻo lánh ở Bắc Cạn, với đầy đủ phát thanh viên, biên tập viên, người duyệt. Trong lúc các chương trình đang phát mà có tin mới nhận thì dừng lại, phát ngay tin chiến sự. Phát thanh viên mở đầu với câu: “Mời đồng bào và chiến sỹ nghe tin chúng tôi vừa mới nhận được từ mặt trận…”
Những ngày 60 năm trước, báo chí đã không chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ tuyên truyền mà còn đi sâu vào những câu chuyện trong thực tiễn chiến đấu, những câu chuyện nhân văn... có sức lay động lòng người và động viên tinh thần chiến sỹ. Chính điều đó đã làm nên sức mạnh báo chí mọi thời đại.
Trên các trang thông tin của Việt Nam Thông tấn xã ngày ấy còn có những bài thơ, những bài hò rất lính:
“Ánh trăng chênh chếch chiến trường
Soi anh bộ đội, soi em quẩy hàng
Bộ đội vui với chiến trường
Dân công gánh đạn dọc đường hò vang…”
Mời quý vị và các bạn theo dõi thêm thông tin về vấn đề này trong Video dưới đây: