An toàn khi xả lũ - Vấn đề "nóng" trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương

P.V-Thứ ba, ngày 15/11/2016 17:31 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

VTV.vn - Mặc dù có phần trả lời chất vấn trôi chảy, Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn nhận được nhiều ý kiến tranh luận trở lại, đặc biệt là ý kiến liên quan đến việc an toàn khi xả lũ.

Trong phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Nội dung chất vấn của các đại biểu tập trung vào các vấn đề như nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp đối với các công trình, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả, để xảy ra thất thoát; công tác quản lý Nhà nước đối với vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón giả, kém chất lượng; nhập khẩu, sản xuất, tiêu thụ, hàng hóa, hàng tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp; quản lý thị trường, quản lý bán hàng đa cấp, hỗ trợ sản xuất hàng trong nước khi hội nhập quốc tế; chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô; việc phát triển thủy điện gắn với thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ của các công trình thủy điện; quy hoạch phát triển những dự án có liên quan đến môi trường và đời sống người dân, đặc biệt là dự án ven biển, trong đó có dự án thép Cà Ná…

Đáng chú ý là vấn đề liên quan đến phát triển thủy điện và đặc biệt là vấn đều an toàn khi xả lũ của các công trình thủy điện được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Giải đáp thắc mắc của các đại biểu về việc rà soát, quy hoạch các công trình thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định các dự án thủy điện chỉ được cấp giấy phép hoạt động điện lực khi đáp ứng 3 yếu tố bắt buộc về đảm bảo an toàn khi xả lũ và trong mùa mưa bao gồm:

- Phương án về phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở tại địa phương do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban và có phương án được phê duyệt tại địa phương với các chủ đập, chủ thủy điện tham gia vào các phương án đó.

- Quy trình xả lũ có quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ quy định. Theo đó, đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên và công suất từ 30 MW trở lên do Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt quy trình xả lũ của hồ thủy điện. Đối với các đập thủy điện dưới quy mô này, lãnh đạo của địa phương sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt.

- Các chủ đập thủy điện và các doanh nghiệp đều phải tham gia cùng với địa phương xây dựng các phương án phòng, chống lũ ở hạ lưu và đảm bảo an toàn cho hạ lưu khi xả lũ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết có một thực tế tồn tại trong thời gian qua là các đập thủy điện thường xuyên gây ra sự bức xúc trong nhân dân, trong dư luận xã hội khi tiến hành xả lũ. Đáng chú ý là dù quy trình xả lũ đã có nhưng việc chấp hành, thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc, nguyên tắc quá mức, dẫn tới việc phối hợp chưa tốt giữa chủ đập thủy điện và chính quyền địa phương. Việc tổ chức diễn tập thực hiện các phương án phòng, chống lụt bão và xả lũ không được triển khai tại các địa phương dẫn tới tình trạng thực hiện các phương án phòng, chống lụt bão và xả lũ trên thực tế không hiệu quả khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, việc theo dõi, dự báo thời tiết và hệ thống quan trắc của các thủy điện không đảm bảo, chưa có sự đầu tư và vận hành tốt để phục vụ cho các chủ đập, các doanh nghiệp thủy điện và địa phương trong việc theo dõi, chủ động trong phòng chống lụt bão và phối hợp xả lũ.

Để đảm bảo an toàn khi xả lũ xuống hạ du, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ tất cả việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt các quy trình xả lũ và những quy định pháp lý liên quan đến đảm bảo an toàn của địa phương khi thực hiện các hoạt động xả lũ của thủy điện, tham gia hoạt động về phòng, chống lụt bão của các thủy điện ở tại địa phương và sẽ có báo cáo đầy đủ trình lên Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Công Thương cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham mưu cho Chính phủ, làm rõ các vấn đề, chủ động tích cực rà soát và có báo cáo cụ thể về những công trình, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả, để xảy ra thất thoát; làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; có giải pháp khẩn trương, quyết liệt, cụ thể để khắc phục từng dự án, tránh tiếp tục lãng phí; rà soát lại quy hoạch phát triển những dự án có liên quan đến môi trường, đời sống người dân, đặc biệt là dự án ven biển, trong đó có dự án thép ở Cà Ná; rà soát lại quy trình, công tác tổ chức chỉ đạo, thực hiện việc xả lũ; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, có biện pháp khắc phục triệt để, không để xảy ra sự cố. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Bộ Công Thương cần phải chấn chỉnh để không xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại cho người dân.

Dưới đây là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV:

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Phần 1)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Phần 2)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Phần 3)

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước