Theo đó, tổng mức phạt tiền của 19 doanh nghiệp bảo hiểm là 1,7 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên có trường hợp vi phạm và mức xử lý chỉ mang tính cảnh cáo, nhưng qua sự việc đã cho thấy, các doanh nghiệp trong nước vẫn ít quan tâm, thậm chí còn tỏ ra thờ ở với Luật Cạnh tranh, một Bộ luật quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Cuối năm 2008, 19 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cho rằng, mức phí bảo hiểm đối với xe cơ giới là thấp so với tổng số tiền phải bồi thường thiệt hại. Do đó, họ đã cùng nhau ký thỏa thuận nâng phí bảo hiểm từ 1,3% lên 1,56%/năm/xe.
Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), việc làm trên của các DN bảo hiểm là vi phạm Luật cạnh tranh.
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương): “Luật cạnh tranh quy định rõ, nếu các DN cùng ký thỏa thuận về 1 mức phí, giá… là vi phạm luật cạnh tranh”.
Theo quyết định của Hội đồng cạnh tranh, mức phạt tiền đối với 19 doanh nghiệp bảo hiểm là 0,025% trên tổng doanh thu của năm trước đó (tức là năm 2007), tương đương với tổng số tiền phạt là 1,7 tỉ đồng. Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, họ thừa nhận do chưa nắm được những quy định trong Luật cạnh tranh nên đã vi phạm. Nhưng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho rằng, mức xử phạt của Hội đồng cạnh tranh đưa ra là không thỏa đáng.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: “Chúng tôi kiến nghị cần phải xem lại hình thức phạt, nếu dựa vào doanh thu, thì có DN bị phạt ít, có DN bị phạt nhiều, trong khi hành vi như nhau. Chỉ nên tính phạt vào tổng doanh thu của sản phẩm bảo hiểm đó, ở đây là xe cơ giới…”.
Thực tế cho thấy, việc thỏa thuận nâng phí bảo hiểm xe cơ giới của 19 DN bảo hiểm chỉ thực hiện được có 45 ngày. Nhưng qua sự việc này cho thấy, các DN bảo hiểm trong nước thực tế ít quan tâm, thậm chí là thờ ơ đối với Luật cạnh tranh, trong khi với một nền kinh tế hội nhập thì Bộ luật này lại đóng vai trò quan trọng để tạo nên sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
19 doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt bao gồm:
1. Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2. Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long)
3. Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh
4. Công ty liên doanh TNHH bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam
5. Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Tín
6. Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Việt
7. Công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
8. Công ty cổ phần bảo hiểm quân đội
9. Công ty bảo hiểm Petrolimex
10. Công ty cổ phần bảo hiểm bưu điện
11. Tổng công ty bảo hiểm dầu khí Việt Nam
12. Công ty TNHH bảo hiểm Samsung Vina
13. Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn cầu
14. Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông
15. Công ty liên doanh bảo hiểm quốc tế Việt Nam
16. Công ty cổ phần bảo hiểm AAA.