Mối quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự thay đổi của thế giới trong 50-100 năm tới
Vì sao cuộc gặp này lại được khẳng định là thúc đẩy sự thay đổi của bàn cờ chiến lược thế giới nhiều thập kỷ tới? Đó là bởi tại Moscow lần này, hai nước đã nhấn mạnh cam kết xây dựng một thế giới đa cực và dân chủ hóa các quan hệ quốc tế, góp phần vào sự phát triển toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn.
Những kết quả nổi bật từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga
Chuyến công du đến Nga - chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3, theo như khẳng định từ phía Trung Quốc, là "sự chọn lựa chiến lược" của Bắc Kinh. Sự lựa chọn này được củng cố bằng 14 văn kiện được ký kết ngày 21/3, trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự.
Với Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cùng khẳng định quan hệ hai nước "đã chín muồi, mạnh mẽ, vượt qua thử thách của đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế đầy biến động".
Trong 10 năm qua, kể từ khi ông Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên đến Nga với tư cách là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng hơn gấp đôi, hiện ở mức 185 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mốc 200 tỷ USD trong năm nay.
Nga và Trung Quốc đã ký kết 14 văn kiện trong nhiều lĩnh vực
Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2/2022. Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng "vạch kế hoạch và các biện pháp mới" với Tổng thống Nga Putin nhằm mở ra triển vọng mới cho quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược giữa hai nước.
Khí đốt, dầu và Nhân dân tệ - Nga và Trung Quốc đặt ra nhiều triển vọng hợp tác. Mặc dù Tổng thống Putin tuyên bố, ưu tiên của hai nước là hợp tác kinh tế - thương mại, nhưng kết quả các cuộc đàm phán là mối quan hệ không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị ngày càng sâu sắc. Theo giới chuyên gia, giai đoạn mới của mối quan hệ Nga - Trung Quốc, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ mới bắt đầu.
Báo chí phương Tây nhận định về Hội đàm cấp cao Nga, Trung Quốc
Các nước phương Tây theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga rất sát sao. Một từ khóa được các nhà phân tích chính trị phương Tây đặc biệt chú ý đó là cam kết xây dựng thế giới đa cực của hai nước.
Theo CNBC, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau khi hố sâu ngăn cách với phương Tây ngày càng sâu sắc. Trung Quốc và Nga chia sẻ sự mất niềm tin đối với phương Tây và phản đối những gì họ coi là "bá quyền" của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Tờ Người bảo vệ của Anh cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi "người bạn cũ tốt" Tập Cận Bình, đồng thời tái khẳng định mối quan hệ bền chặt của hai nhà lãnh đạo và chuyến thăm tạo cơ hội cho Nga nhấn mạnh rằng họ chưa từng bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau khi hố sâu ngăn cách với phương Tây ngày càng sâu sắc
Tờ Washington Post dẫn lời của nhà phân tích Alexander Gabuev của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên đối đầu với Mỹ và Nga là một đối tác lớn trong cuộc cạnh tranh này.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc quan tâm đến việc xây dựng một trật tự thế giới mới trong đó không có chỗ cho quyền bá chủ của phương Tây, CNN tổng kết.
Sự mất niềm tin và chia rẽ giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc là động lực thúc đẩy hai nước này thiết lập những mối liên kết địa chính trị mới, và điều này chắc chắn về lâu dài sẽ tác động tới trật tự chiến lược toàn cầu.
Phi đô-la hóa, con đường hướng tới trật tự thế giới mới
Nhà phân tích chính trị Nga, ông Nikolai Vavilov nói, nỗ lực xây dựng một hệ thống trật tự quốc tế mới có thể bắt đầu từ việc làm suy yếu những vũ khí chiến lược của đối phương. Đồng bạc xanh là một vũ khí quan trọng của Mỹ đóng vai trò chi phối toàn cầu. Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc phi đô-la hóa trong trao đổi thương mại quốc tế. Phi đô-la hóa giúp Nga đã hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt, còn với Trung Quốc, cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây cũng thúc đẩy nước này muốn làm suy yếu sức mạnh của đồng USD và nâng cao tính quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ.
Kể từ năm 2014, khi Mỹ áp đặt các hạn chế kinh tế đối với Nga và tạo ra rào cản trong thương mại, các quốc gia bắt đầu nghĩ đến các lựa chọn thay thế để tránh sử dụng đồng USD. Hợp tác kinh tế - thương mại Nga và Trung Quốc là một điển hình.
Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc phi đô-la hóa trong trao đổi thương mại quốc tế.
Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc, hai bên đã đưa ra những mô hình hợp tác mới nhằm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên trên 200 tỷ USD/năm. Điều đáng nói là hai bên sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi trao đổi hối đoái bằng đồng nội tệ để giảm tối đa sự phụ thuộc vào đồng USD, mở ra một xu hướng đa phương tiện thanh toán quốc tế, có tác dụng hỗ trợ quan trọng về kinh tế cho mô hình trật tự thế giới đa cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Niềm tin vào đồng USD, đồng euro và đồng bảng Anh với tư cách là những loại tiền tệ để thanh toán tài khoản, dự trữ, định giá tài sản, đã bị mất. Từng bước chúng ta đang dần tránh xa việc sử dụng những loại tiền tệ không đáng tin cậy đó. Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng đang giảm dần lượng tài sản bằng USD của họ, điều đó được thấy trong các số liệu thống kê".
Gazprom và các đối tác Trung Quốc đã quyết định chuyển sang đồng Ruble và Nhân dân tệ với tỷ lệ 50-50 khi thanh toán cho việc mua khí đốt của Nga.
Nỗ lực phi đô-la hóa cũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy. Hồi tháng 12 năm ngoái, trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giới thiệu một cách thức giao dịch mới gọi là "petroyuan" (giá dầu tính bằng đồng Nhân dân tệ). Với việc giới thiệu khái niệm Petro Yuan, theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn viết lại các quy tắc của thị trường năng lượng toàn cầu.
Ông John Kirby - Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cả Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đang chống lại trật tự quốc tế mà Mỹ cùng rất nhiều đồng minh và đối tác đã xây dựng kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Họ không thích điều đó, họ muốn viết lại luật chơi trên toàn cầu. Và họ đã tăng cường sự hợp tác và mối quan hệ của họ trong thời gian gần đây".
Kết quả của các động thái phi đô-la hóa là tổng lưu thông của đồng USD trên thế giới giảm đáng kể và dự trữ đồng USD cũng giảm. Theo ước tính, thương mại toàn cầu của đồng USD đã giảm hơn 20% chỉ trong 4 năm qua. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ 71% vào năm 1999 xuống chỉ còn 57% vào năm 2021 và tiếp tục giảm.
Nga - Trung Quốc hướng tới thế giới đa cực
Cùng với sự suy yếu của hệ thống quản trị toàn cầu và sự gia tăng về mức độ xung đột nước lớn, thế giới đang ở trong kỷ nguyên bất định và tái sắp xếp. Cam kết của Nga và Trung Quốc về xây dựng trật tự thế giới đa cực là một phần quan trọng của quá trình tái sắp xếp này. Tình hình địa chính trị thay đổi tạo cơ hội và cả thách thức cho các nước vừa và nhỏ, đặt họ trước nhiều lựa chọn khéo léo về đa dạng đối tác để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Thực tế mấy năm qua cho thấy, các nước vừa và nhỏ, trong đó có cả các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đã lựa chọn đa dạng hóa liên kết để tối ưu hóa lợi ích của mình.
Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang mang lại sức hút lớn với một hình mẫu hợp tác mới. Số lượng các quốc gia muốn tham gia nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga và Trung Quốc là nòng cốt, đã tăng lên khoảng 20 quốc gia. Trong đó nổi bật như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Indonesia, Argentina, Mexico và một số quốc gia châu Phi. Cả Nga và Trung Quốc đều muốn tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường và Liên minh Kinh tế Á - Âu, qua đó giúp hai nước đạt được các mục tiêu phát triển.
Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang mang lại sức hút lớn với một hình mẫu hợp tác mới
Thực tế cho thấy, dòng chảy kinh tế đi đến đâu sẽ thúc đẩy liên kết mạnh đến đó. Các khối kinh tế mới nổi như BRICS đang mạnh lên, thúc đẩy quá trình phi đô-la hóa. Các mô hình xuất khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu đang chuyển hướng sang vịnh Arab, đồng thời sang Nam Á và Đông Á đã kéo theo những liên kết về chính trị.
Ông Li Mingjiang - Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore: "Động lực quan trọng nhất đằng sau quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung luôn là lợi ích và vị trí địa chính trị chung của họ. Rất nhiều lợi ích và mục tiêu này có liên quan đến nhận thức về Mỹ và các nước phương Tây. Đối với cả Trung Quốc và Nga, họ chia sẻ cảm giác rằng Mỹ và các đồng minh của Mỹ đang cố gắng kiềm chế hai nước này".
Giới quan sát cho rằng, cấu trúc của liên kết mà Nga và Trung Quốc là hạt nhân sẽ linh hoạt hơn nhiều so với các khối trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng hoàn toàn có thể làm thay đổi động lực của chính trị thế giới.
GS. Carl Thayer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học New South Wales, Australia: "Mỹ, NATO, EU cùng các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc đã tạo thành một cực, trong khi Nga và Trung Quốc đang hình thành quan hệ đối tác không giới hạn. Vì vậy, đây là một trật tự thế giới phân cực với đa trung tâm".
Tình hình địa chính trị thay đổi mang lại cơ hội cho nhiều cường quốc khu vực và toàn cầu mới nổi. Không chỉ Nga và Trung Quốc, mà các nước như Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Nam Phi…, và thậm chí cả các đồng minh của phương Tây như Saudi Arabia và các nước Arab vùng Vịnh cũng sắp xếp và đa dạng hóa lợi ích nước mình, thoát khỏi trật tự thế giới mà phương Tây chi phối như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!