Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc, để lại ở miền Nam người vợ trẻ đẹp và ba đứa con thơ, đứa lớn nhất chưa đến 5 tuổi, giữa nanh vuốt kẻ thù. Từ đấy, như bao người con miền Nam tập kết, ở thủ đô Hà Nội, Hoàng Việt luôn sống trong tình cảnh: “Ban ngày bận công tác/Ban đêm nằm nhớ em/Ban ngày ở miền Bắc/Ở miền Nam ban đêm” (Tế Hanh).
Năm 1957, sau hơn hai năm trời bặt vô âm tín, Hoàng Việt bất ngờ nhận được thư vợ từ miền Nam gửi ra, lá thư đã phải đi vòng vèo vạn dặm qua tận nước Pháp xa xôi rồi mời về được Hà Nội để đến tay ông. Hoàng Việt nhoà nước mắt khi đọc thư vợ. Những rung động mãnh liệt, trào dâng từ những nhớ thương, tin tưởng, tự hào với người vợ hiền đảm, từ nỗi đau đất nước chia cắt và gia đình ly tán, Hoàng Việt chợt cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đôi lứa trong sự gắn bó thiếng liêng với tình yêu quê hương đất nước.
‘ Vợ chồng cố nhạc sĩ Hoàng Việt
Một sức mạnh bất chấp không gian xa cách và thời gian dằng dặc, thách thức mọi phong ba bão tố, vượt trên chiến tranh thù hận, xoá tan đau khổ chia ly, để toả sáng như ánh sao đêm, thơm ngát như cánh hoa xuân và bền vững muôn đời như sông nước Cửu Long bất diệt. Và bản Tình ca đã ra đời như tiếng lòng của Hoàng Việt gửi về người vợ phưong xa với những nhắn nhủ thuỷ chung son sắt:
Bến nước Cửu Long còn đó em ơi!
Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời
Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xoá nhoà...
Giữ lấy đức tin bền vững em ơi
Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời
Là một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người
Ngay sau khi ra đời, Tình ca đã được ca sĩ Quốc Hương thu thanh, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam làm ngây ngất thính giả trong và ngoài nước. Tuy vậy, thật khó tin khi bản tình ca tha thiết, mạnh mẽ nhường ấy lại bị một số ý kiến phê phán là bi luỵ, yếu đuối và lập tức bị… lưu kho. Mãi đến hơn 10 năm sau, sau khi Hoàng Việt trở về miền Nam chiến đấu, sáng tác và hy sinh, Tình ca mới được phổ biến trở lại.
Từ đấy, “bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người” của Hoàng Việt đã cất cánh bay đến với các thế hệ người Việt ở mọi phương trời, trở thành khúc tình ca được cả dân tộc ca hát trong hơn nửa thế kỷ qua, cả trong chiến tranh cũng như giữa thời bình, cả trong đau khổ và hạnh phúc. Rất nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam yêu mến Tình ca và để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc như: Quốc Hương, Trần Khánh, Trung Kiên, Kiều Hưng, Quang Thọ, Quang Lý, Trọng Tấn.
Với sức chinh phục vô song và khả năng thức tỉnh, nâng mọi tâm hồn vươn đến những điều cao đẹp, thánh thiện, Tình ca xứng đáng được coi là biểu tượng của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Tình ca Hoàng Việt Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang Qua núi biếc chập chùng xa xa Qua bóng mây che mờ quê ta Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa Đã biến tình đôi ta thành những ánh sao toả sáng Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa Bến nước Cửu Long còn đó em ơi! Bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xoá nhoà. Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây Em hãy nở nụ cười tươi xinh Như cánh hoa xuân chào riêng anh Nói nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly Giữ lấy đức tin bền vững em ơi Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người. |