Punggye-ri – nơi Triều Tiên thử hạt nhân. (Đồ họa: Guardian)
1. Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch
Ngày 6/1, Triều Tiên đã tuyên bố tiến hành thử thành công một quả bom nhiệt hạch ở khu vực Đông Bắc của nước này.
Đây là vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên và diễn ra trước thềm kỷ niệm sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thông báo "đặc biệt" được phát trên kênh truyền hình Nhà nước Triều Tiên khẳng định một vụ thử bom nhiệt hạch đã được tiến hành thành công vào 10h ngày 6/1 (giờ địa phương). Theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, vụ thử đã tạo ra dư chấn tương đương với một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter, ở khu vực cách tỉnh Sungjibaegam 19km về phía Đông Bắc. Vào thời điểm đó, truyền thông khu vực cũng đã đưa tin về dư chấn này như một vụ động đất.
Năm 2003, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Từ đó đến nay, quốc gia này đã tiến hành 3 vụ thử bom hạt nhân dưới lòng đất vào các năm 2006, 2009 và 2013 tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Vụ thử bom nhiệt hạch lần này hiện đang làm dấy lên quan ngại khắp khu vực.
Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một phiên họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản, thảo luận các biện pháp đối phó với tình huống nghiêm trọng nảy sinh từ việc Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử bom nhiệt hạch.
Phía Mỹ nhận định kết quả những phân tích ban đầu về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không giống với một vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí rằng hành động của Bình Nhưỡng, nếu được xác nhận là một sự khiêu khích vô trách nhiệm, không thể chấp nhận được và hành động này đáng phải lĩnh hậu quả.
Quan chức của Liên minh châu Âu tuyên bố: nếu được xác nhận, vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết quốc tế của nước này về việc không chế tạo và thử vũ khí hạt nhân, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực Đông Bắc Á.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Amano khẳng định nếu được xác nhận, vụ thử này là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Amano cho biết sẵn sàng góp phần giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua việc nối lại các hoạt động kiểm tra, ngay khi đạt được một thỏa thuận chính trị với các nước liên quan.
Việc Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch khiến bán đảo Triều Tiên tiếp tục trở nên căng thẳng.
2. Pháp tưởng niệm 1 năm vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo
Ngày 7/1 vừa qua là tròn 1 năm nước Pháp chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại thủ đô Paris, làm 11 nhà báo thiệt mạng.
Các hoạt động đã được kéo dài 1 tuần để tưởng niệm các nạn nhân đang được tổ chức trên khắp nước Pháp. 1 năm với nỗi ám ảnh khủng bố vẫn bao trùm khiến ký ức đau buồn và nỗi lo sợ về vụ tấn công tại tòa báo Charlie Hebdo vẫn chưa dịu bớt.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khai trương biển tưởng niệm các nạn nhân trong các vụ khủng bố xảy ra hôm 7/1/2015 tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, nơi có 11 người thiệt mạng và ngày 9/1/2015 tại siêu thị Hyper Cacher ở khu vực Portes de Vincennes, nơi có 4 người thiệt mạng.
1 năm sau vụ tấn công, dù khó khăn nhưng công việc của những nhà báo Pháp vẫn tiếp tục. Số báo mới của tạp chí Charlie Hebdo với hình ảnh trang bìa đầy tranh cãi, kèm đoạn chú thích: "Một năm sau: kẻ giết người vẫn đang nhởn nhơ".
1 năm đã trôi qua, vụ thảm sát vẫn để lại nỗi đau nhức nhối với gia đình các nạn nhân và những ký ức kinh hoàng đối với người dân Pháp. Còn đối với những người đã mất người thân trong vụ khủng bố, 1 năm sau, nỗi đau vẫn còn đó, sự mất mát mãi không thể lấp đầy.
Ngày 9/1/2015, tên khủng bố Amedy Coulibaly đã xông vào siêu thị Hyper Cacher, xả súng giết chết 4 người bên trong và bắt thêm 17 người làm con tin. Amedy Coulibaly có quan hệ thân thiết với anh em nhà Kouachi, những kẻ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.
3. Mexico bắt trùm ma túy khét tiếng El Chapo
Ngày 8/1, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto thông báo nhà chức nước này đã bắt lại được tên trùm ma túy khét tiếng El Chapo Guzman.
Hồi tháng 7/2015, tên trùm ma túy này đã trốn thoát khỏi một nhà tù được canh gác cẩn mật ở Mexico thông qua một đường hầm dài. Chính quyền nước này đã từng treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được El Chapo.
Theo Cơ quan Chống buôn lậu ma túy Mỹ, băng đảng Sinaloa do El Chapo cầm đầu được cho là đã tuồn vào Mỹ hàng trăm tấn cocaine.
4. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Nga vi phạm quy định hàng không quốc tế
Theo Thổ Nhĩ Kỳ, việc Nga từ chối cấp thị thực cho các thành viên phi hành đoàn của Hãng hàng không giá rẻ Pegasus của nước này là hành động "độc đoán".
Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm 6/1 cho biết việc Nga từ chối cấp thị thực cho các thành viên phi hành đoàn của Hãng hàng không giá rẻ Pegasus của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động "độc đoán", vi phạm các quy định hàng không quốc tế.
Trước đó hôm 5/1, hãng Pegasus Airlines có trụ sở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã hoãn các chuyến bay đến và đi từ Nga cho tới ngày 13/1 sau khi nhà chức trách ở Moscow không cấp thị thực cho các thành viên phi hành đoàn của hãng này.
Ông Yildirim khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông qua các kênh ngoại giao để yêu cầu Nga tôn trọng "các quy định quốc tế".
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở mức thấp nhất trong thời gian gần đây sau vụ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại Syria.
5. IS tấn công khách sạn ở Ai Cập
Ít nhất 3 du khách đã bị thương khi các tay súng được cho là thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công vào khách sạn Bella Vista ở Ai Cập.
Ngay sau đó, lực lượng an ninh Ai Cập đã đẩy lùi cuộc tấn công trên và tiêu diệt 2 tay súng đang đeo bom tự sát. Hiện, an ninh đã được tăng cường tối đa ở thành phố Hurghada. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát vẫn đang tiếp tục truy lùng thêm những kẻ tấn công khác.
Theo thông tin ban đầu, trong số các du khách bị thương trong vụ tấn công trên có công dân Đức và Đan Mạch.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.