Đại diện của Iran và nhóm P5+1. (Ảnh: AFP)
1. Thoả thuận hạt nhân lịch sử của Iran và nhóm P5+1
"Một thỏa thuận lịch sử" đó là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông ngày 14/7. Ngày này đã đi vào lịch sử khi Iran và 6 cường quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận toàn diện, chấm dứt 13 năm tranh cãi về chương trình hạt nhân của Tehran - một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại.
Những nội dung đáng chú ý của bản thoả thuận là:
- Iran sẽ giảm 2/3 số máy ly tâm làm giàu urani trong 10 năm.
- Lượng urani làm giàu của Iran sẽ giảm 96% xuống chỉ còn 300kg, dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử.
- Iran sẽ cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là các cơ sở quân sự. Mặc dù Iran có quyền từ chối yêu cầu tiếp cận những khu vực trên của các thanh sát viên, song một ủy ban quốc tế có thể phủ quyết mọi sự phản đối của Iran qua bỏ phiếu.
- Các thanh sát viên sẽ chỉ tới từ các nước có quan hệ ngoại giao với Iran, do đó sẽ không có quan sát viên từ Mỹ.
- Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với 6 cường quốc.
- Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa.
- Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran về năng lượng, tài chính, hàng không và hàng hải sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, hàng tỷ USD tài sản đóng băng của Iran của sẽ được gỡ khỏi lệnh phong tỏa.
2. Nhiều quốc gia trên thế giới tưởng niệm 1 năm vụ rơi máy bay MH17
Ngày 17/7/2015 là tròn 1 năm xảy ra thảm kịch rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia), máy bay MH17 đã bị rơi tại khu vực miền Đông Ukraine. Hơn 298 người trên chuyến bay đã phải chịu cùng một số phận. Sự ra đi của họ đã để lại niềm tiếc thương đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Trên khắp thế giới, các hoạt động tưởng niệm đã diễn ra trong ngày 17/7/2015 nhằm hướng về những người đã khuất.
Tại Australia, Thủ tướng Tony Abbott đã chủ trì một buổi lễ tưởng niệm chính thức ở Quốc hội nước này. Một tấm bia khắc tên các nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17 cũng được dựng trong khuôn viên của tòa nhà Hạ Viện Australia nhân dịp này.
Tại Hà Lan, các lá cờ được treo rủ trong ngày thứ Sáu. Khoảng 2.000 thành viên gia đình các nạn nhân xấu số đã tham dự một buổi lễ được tổ chức ở thủ đô Amsterdam. Thủ tướng Hà Lan và quan chức cấp cao cũng có mặt tại buổi lễ này.
Trước đó, vào ngày 11/7, Malaysia đã tổ chức lễ tưởng niệm 1 năm thảm họa hàng không MH17. Tại đây, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi sự phối hợp của các quốc gia liên quan trong việc điều tra nguyên nhân của tai nạn máy bay. Ông Najib Razak cũng tuyên bố, kết luận điều tra cuối cùng là việc sẽ phải đạt được để làm yên lòng các nạn nhân và gia đình của họ.
Các hoạt động tưởng niệm khác cũng diễn ra tại các quốc gia có nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17.
Còn tại miền Đông Ukraine, hoa và những đồ chơi giản dị được đặt dưới một cây cột gần làng Hrabove. Những dòng chữ khắc trên tấm bảng cho biết những gì đã xảy ra trong ngày 17/7 định mệnh 1 năm trước. Rất khó có thể nhận ra nơi từng là hiện trường của một trong những thảm họa hàng không tàn khốc nhất từ trước tới nay.
3. Hy Lạp lại "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy khoản vay 86 tỷ Euro
Quốc hội Hy Lạp đã thông qua bản thỏa thuận về gói cứu trợ mới, bao gồm các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy khoản vay trị giá 86 tỷ Euro từ các chủ nợ châu Âu.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng Quốc hội Hy Lạp vừa thông qua bao gồm việc tăng thuế cũng như tăng độ tuổi nghỉ hưu. Các biện pháp này được thông qua bất chấp sự phản đối gay gắt của một số nghị sĩ ngay trong đảng Syriza cầm quyền, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis.
Vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận cứu trợ mới, biểu tình bạo lực đã nổ ra bên ngoài trụ sở Quốc hội Hy Lạp.
4. Xả súng tại cơ sở quân đội Mỹ ở bang Tennessee
Bốn binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng sau các vụ nổ súng tại cơ sở của Hải quân Mỹ ở thành phố Chattanooga, bang Tennessee vào sáng 16/7 theo giờ địa phương.
Cảnh sát cho biết, hai vụ tấn công riêng rẽ đã xảy ra và đều do một nghi phạm thực hiện. Mặc dù danh tính của tay súng chưa được cảnh sát công bố, song các phương tiện truyền thông dẫn lời một quan chức địa phương cho biết tên của kẻ này là Mohammod Youssuf Abdulazeez, sống tại địa phương và được cho là đã hành động đơn lẻ.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
5. Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi
Ngày 16/7, Hạ viện Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua dự luật an ninh liên quan đến việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể.
Với thế áp đảo, liên minh cầm quyền gồm hai đảng Dân chủ tự do LDP và đảng Công minh đã dễ dàng thông qua dự luật an ninh trong phiên họp toàn thể của Hạ viện. Phát biểu trong chiều nay (16/7), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, dự luật mới là hết sức quan trọng và cần thiết với Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: "Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng phức tạp. Dự luật này hết sức quan trọng vì nó giúp bảo vệ tính mạng, cuộc sống của người dân Nhật Bản và ngăn ngừa các cuộc xung đột từ khi chúng chưa diễn ra".
Dự luật an ninh mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đệ trình cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động và được quyền tham gia hỗ trợ các nước thân thiện trong các cuộc xung đột có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.
6. Ukraine thông qua dự luật trao thêm quyền tự trị cho miền Đông
Quốc hội Ukraine ngày 16/7 đã thông qua một dự luật nhằm trao cho hai khu vực ly khai Lugansk và Donestk ở miền Đông quyền tự trị lớn hơn.
Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc đáp ứng những yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn về quy chế theo mô hình “cộng hòa nhân dân” của lực lượng ly khai.
Tổng thống Petro Poroshenko đã đệ trình dự luật trên lên Quốc hội Ukraine sau khi chịu sức ép từ các nhà lãnh đạo Phương Tây về việc trao cho các khu vực ở miền Đông một số quyền tự trị như một phần của thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 2/2015.
Nếu các tòa án quyết định luật trên là phù hợp với hiến pháp sẽ cần ít nhất 300 trong số 450 nghị sỹ Quốc hội (bỏ phiếu) ủng hộ cho dự luật trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!