Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cung điện Konstantin Saint Petersburg, Nga. (Ảnh: AP)
1. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - “gương vỡ lại lành”
Cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tại Saint Peterburg đã đạt được nhiều thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ song phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, lãnh đạo hai nước cho biết hai bên đã nhất trí thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu; hủy bỏ các biện pháp hạn chế và hợp tác trong vấn đề Syria.
Theo nhà lãnh đạo Nga, nhiệm vụ ưu tiên đặt ra là đưa quan hệ hai nước trở lại mức độ như thời kỳ trước khủng hoảng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ từng bước hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ khôi phục mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD/năm.
2. Cựu điệp viên CIA tranh cử Tổng thống Mỹ
Cựu điệp viên CIA Evan Mc Mullin sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ với tư cách là một ứng cử viên độc lập như một sự lựa chọn thay thế cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ông Evan McMullin, Giám đốc Chính sách của Hội nghị đảng Cộng hòa đã được hỗ trợ bởi nhóm phản đối ông Trump có tên “Better for America”. Ông McMullin, 40 tuổi, đã làm việc tại Quốc hội từ năm 2013. Trước đó, ông này từng là nhân viên của CIA trong suốt 11 năm.
Cũng giống như "ông trùm" bất động sản Trump, ông McMullin tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Giới phân tích nhận định, vai trò ứng cử viên Tổng thống của ông McMullin được sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa cho thấy phong trào "Never Trump" vẫn nỗ lực lật đổ tỷ phú này ngay cả khi còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ tới tổng tuyển cử.
3. Thượng viện Brazil mở phiên tòa luận tội bà Dilma Rousseff
Với 59 phiếu thuận và 21 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã thông qua quyết định mở phiên tòa xét xử Tổng thống Dilma Rousseff vì những cáo buộc vi phạm luật ngân sách.
Với việc hơn một nửa nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý mở phiên tòa luận tội bà Rousseff, Thượng viện sẽ họp lần cuối cùng vào cuối tháng 8. Trong trường hợp 54 nghị sĩ, tương đương 2/3 số ghế, bỏ phiếu đồng ý, tại cuộc họp dự kiến vào ngày 25/8, bà Rousseff sẽ chính thức bị bãi nhiệm; điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt 13 năm cầm quyền của Công đảng.
Quyết định này của Thượng viện Brazil có nguy cơ đẩy đất nước lún sâu vào cuộc khủng hoảng và có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình của những người ủng hộ bà Rousseff trong bối cảnh Brazil đang tổ chức Olympic Rio 2016.
Trong trường hợp bà Rousseff bị bãi nhiệm, Tổng thống lâm thời Michel Temer và nội các của ông sẽ cầm quyền tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.
Bà Dilma Rousseff đã bị đình chỉ chức vụ từ ngày 12/5/2016.
4. Căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine gia tăng
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng khi hôm 12/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Nga có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine sau những cáo buộc Kiev đứng sau 1 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào Crimea - điều mà Ukraine bác bỏ.
Phát biểu từ thành phố Sochi, ông Medvedev cho biết, Nga sẽ tiến hành điều tra kỹ các âm mưu phá hoại nhằm vào Crimea và những đối tượng liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, Thủ tướng Nga cũng cho rằng, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine sẽ chỉ được Tổng thống Nga Putin quyết định nếu không còn giải pháp nào có thể tác động tới tình hình hiện tại.
Trong khi đó, cũng trong ngày 12/8, Trưởng cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitskiy cho biết, tình hình an ninh tại Crimea đang khiến mối đe dọa tới an ninh nước này ở mức cao. Quân đội Ukraine được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu tại khu vực biên giới với Crimea cũng như khu vực của các lực lượng nổi dậy ở phía Đông.
5. Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Afghanistan
Ngày 12/8, người phát ngôn Lầu Năm góc Mỹ Gordon Trowbridge xác nhận, Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Afghanistan và Pakistan - tên Hafiz Saeed Khan.
Theo đó, tên Hafiz Saeed Khan đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch không kích do máy bay không người lái Mỹ tiến hành hồi tháng trước ở tỉnh Nangarhar ở miền Đông Afghanistan.
Theo Lầu Năm góc Mỹ, Saeed Khan được biết tới với vai trò tham gia trực tiếp trong các vụ tấn công nhằm vào Mỹ và liên quân, cũng như những hoạt động của mạng lưới khủng bố của hắn ở Afghanistan, đặc biệt là tại tỉnh Nangarhar.
Cũng theo người phát ngôn Lầu Năm góc Mỹ, chính Saeed Khan đã lên kế hoạch cho nhiều vụ tấn công, trong đó vụ đẫm máu nhất diễn ra tại Kabul hồi tháng trước, làm gần 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Theo đánh giá, việc tiêu diệt được tên Khan sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới IS khi tổ chức khủng bố này đang tìm cách tự xây dựng trở thành một lực lượng quy mô ở Pakistan và Afghanistan.
6. Nhật hoàng Akihito gửi thông điệp tỏ ý sẵn sàng thoái vị
Ngày 8/8, Nhật hoàng Akihito đã tỏ ý sẵn sàng thoái vị trong một thông điệp qua video gửi tới công chúng, trong đó bày tỏ lo ngại rằng ông không thể hoàn thành nhiệm vụ là một biểu tượng của nhà nước do tuổi cao sức yếu.
Trong đoạn video dài 10 phút, Nhật hoàng Akihito, năm nay 82 tuổi, nói: "Xét thấy sức khỏe của mình đang ngày một giảm sút, tôi lo rằng tôi khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ trong vai trò biểu tượng của nhà nước một cách trọn vẹn như tôi đã làm cho đến nay". Nhật hoàng nêu rõ ông đã nghĩ đến việc phải sắp đặt đường hướng tương lai như thế nào vì lợi ích của quốc gia, nhân dân, và hoàng gia trong trường hợp ông không thể hoàn thành nhiệm vụ sau khi trải qua phẫu thuật và bắt đầu cảm thấy thể lực giảm sút do tuổi tác.
Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh dư luận đồn đoán khả năng Nhật hoàng thoái vị sau khi truyền thông Nhật Bản tháng trước đưa tin Nhật hoàng muốn truyền ngôi cho Thái tử Naruhito, năm nay 56 tuổi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!