1. Cuộc chuyển giao quyền lực tại Myanmar
Sáng 30/3, Tổng thống đắc cử Myanmar, ông Htin Kyaw đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới của Myanmar.
Sự kiện này đánh dấu Chính phủ mới của Myanmar đã chính thức lên nắm quyền dẫn dắt Myanmar trong chặng đường 5 năm tới.
Sau đó, ngày 31/3 Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar đã đệ trình một dự luật bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi làm "cố vấn nhà nước", cho phép bà giữ vị trí quyền lực tối cao ở quốc gia Đông Nam Á này.
Đây là dự luật đầu tiên mà Chính phủ vừa tuyên thệ nhậm chức của Myanmar đệ trình sau khi chính thức lên cầm quyền và trở thành Chính phủ dân sự đầu tiên sau 50 năm ở nước này. Dự luật cũng xua tan những thắc mắc về vai trò thực sự của bà Aung San Suu Kyi trong Chính phủ mới sau khi không thể trở thành Tổng thống do vướng quy định của hiến pháp được quân đội soạn thảo trước đó.
Bà Aung San Suu Kyi trước đó đã được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng của Myanmar.
2. Máy bay Ai Cập bị bắt cóc
Ngày 29/3, một máy bay của hãng hàng không Ai Cập Egyptair đã hạ cánh xuống Cyprus (CH Síp) sau khi bị không tặc khống chế.
Kẻ không tặc được cho là mang bom trên người đã bắt máy bay chuyển hướng tới sân bay thành phố Larnaca ở bờ biển phía Nam Cộng hòa Cyprus. Đối tượng sau đó đã đầu hàng và thả toàn bộ 81 người trên máy bay, trong đó có 15 thành viên phi hành đoàn và 21 người nước ngoài.
Đối tượng được xác định là Seif El Din Mustafa, 59 tuổi, người Ai Cập. Các chuyên gia an ninh khẳng định đối tượng không mang đai bom trong người như những nghi ngờ trước đó. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Mustafa là người thần kinh không ổn định và đây không phải là vụ tấn công khủng bố.
Ngày 30/3, toàn bộ hành khách trên chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Egypt Air bị bắt cóc đã về đến sân bay quốc tế Cairo.
3. Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân
Sáng 1/4 theo giờ Việt Nam, tại thủ đô Washington, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân đã chính thức khai mạc với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ hơn 50 quốc gia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì Hội nghị lần này. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Với chưa đầy 10 tháng còn lại của nhiệm kỳ để hoàn thiện một trong những sáng kiến đối ngoại tâm huyết nhất của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân lần thứ tư và cũng là cuối cùng của ông trước khi mãn nhiệm.
Các vụ khủng bố đẫm máu tại Brussels mới đây tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm đã làm bùng lên mối lo ngại rằng IS rốt cuộc hoàn toàn có thể nhắm vào nguồn nguyên liệu phóng xạ tại các nhà máy hạt nhân ở Bỉ và các nước châu Âu khác để phát triển "bom bẩn", loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường để phát tán chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc cắt giảm tích trữ vật liệu chế tạo bom và tăng cường bảo vệ các kho nguyên liệu này, một lượng lớn plutoni và urani được làm giàu của thế giới vẫn ở trong tình trạng dễ bị trộm cắp. Đây là vấn đề khiến lãnh đạo các nước đau đầu và được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân lần này.
4. Luật an ninh mới của Nhật Bản có hiệu lực
Ngày 29/3, luật an ninh mới gây tranh cãi của Nhật Bản chính thức có hiệu lực.
Lần đầu tiên kể từ chiến tranh Thế giới lần thứ II, lực lượng phòng vệ của nước này được phép tham gia chiến đấu ở nước ngoài. Đây là sự thay đổi chính sách quốc phòng mang tính bước ngoặt tại một đất nước vốn có Hiến pháp quy định phản đối chiến tranh.
Việc sửa đổi luật an ninh mới của Nhật Bản được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất nhằm tăng cường khả năng đối phó của Nhật Bản trước tình hình an ninh mới hiện nay. Luật an ninh mới sẽ mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở nước ngoài, cho phép lực lượng này thực thi quyền phòng vệ tập thể. Theo đó, lực lượng phòng vệ có quyền tham chiến để bảo vệ các đồng minh bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp.
Luật mới nới lỏng những hạn chế trong các hoạt động triển khai quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình do LHQ lãnh đạo và trong các vụ đụng độ bất ngờ có nguy cơ chuyển thành chiến tranh thực sự.
Tuy nhiên, người dân nước này lo ngại rằng luật an ninh mới này có thể ảnh hưởng đến chủ nghĩa hòa bình mà Tokyo đã theo đuổi kể từ sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
5. Bỉ quyết định trao nghi phạm Salah Abdeslam cho Pháp
Chiều tối 31/3, Bỉ đã quyết định trao nghi phạm Salah Abdeslam cho Pháp.
Salah Abdeslam là kẻ duy nhất còn sống sót trong vụ khủng bố ở Paris vào tháng 11/2015. Do vậy, đối tượng này được coi là "mỏ vàng" của các cơ quan chống khủng bố châu Âu để điều tra về các mạng lưới khủng bố ở châu lục này.
Salah Abdeslam đã tiếp tục bị thẩm vấn vào chiều 31/3 tại nhà tù Bruges, cách thủ đô Brussels 100km. Sau cuộc thẩm vấn, Công tố Liên bang cho biết, Vương quốc Bỉ không phản đối việc trao nghi phạm cho phía Pháp.
Trong hai cuộc thẩm vấn đầu tiên, nghi phạm chịu khai báo và tỏ ý không muốn bị dẫn độ sang Pháp. Tuy nhiên, từ sau vụ khủng bố tại Brussels diễn ra ngày 22/3, Salah Abdeslam đã im lặng hoàn toàn. Luật sư của Salah Abdeslam cho biết, nghi phạm đã đổi ý mong muốn được di lý sang Pháp càng sớm càng tốt và cam kết sẽ tiếp tục khai báo nếu được thẩm vấn tại Pháp.
Công tố Liên bang Bỉ cho biết, việc dẫn độ Salah Abdeslam được thực hiện trong vài ngày cho đến vài tuần.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.