Sản phẩm của Johnson & Johnson có gây ung thư hay không là vấn đề đang được tranh cãi. Sự phản ứng từ phía khách hàng kêu gọi tẩy chay Johnson & Johnson là điều đang xảy ra. Ở giai đoạn này, nhiều người đang quan tâm và dõi theo cách thức mà Johnson & Johnson sẽ xử lý bê bối lần này như thế nào. Có thể, 72 triệu USD sẽ không phải là thiệt hại duy nhất mà hãng này phải đối mặt.
Sau vụ bế bối trên, từ khóa Johnson & Johnson đã ngay lập tức trở thành từ khóa gây sốt (trending terms) trên mạng xã hội Twitter. Rất nhiều người sử dụng đã đăng bài kêu gọi tẩy chay sản phẩm của hãng này.
Hãng truyền thông Thomson Reuters cho biết, chỉ số phân tích tâm lý truyền thông xã hội đối với thương hiệu Johnson & Johnson đã ngay lập tức giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Cổ phiếu của hãng này cũng rớt giá trong phiên giao dịch ngày 24/02.
Chưa dừng lại ở đây, Johnson & Johnson hiện cũng đang phải đối mặt với 1.200 vụ kiện khác trên toàn nước Mỹ, với cáo buộc đã không cảnh báo người sử dụng về những rủi ro khi sử dụng những sản phẩm của hãng này.
Đây không phải là lần đầu tiên Johnson & Johnson đối mặt với bê bối chất lượng sản phẩm. Năm 2009, người tiêu dùng Mỹ đã kêu gọi tẩy chay Johnson & Johnson khi phát hiện sản phẩm chăm sóc dành cho trẻ em của hãng này chứa hai hóa chất gây ung thư là formaldehyde và 1,4-dioxane. 3 năm sau đó, Johnson & Johnson đã buộc phải đồng ý loại bỏ 2 thành phần độc hại trên. Hãng này cũng cắt chức và bổ nhiệm giám đốc điều hành mới nhằm cải thiện hình ảnh của mình.
Tuy vậy, đứng trước bê bối lần này, Johnson & Johnson đã chọn phương án xử lý khác. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của hãng này đã bày tỏ sự thất vọng với phán quyết của tòa án và sẽ cân nhắc các hành động pháp lý tiếp theo.
Chưa rõ Johnson & Johnson liệu có thắng trong vụ kiện này hay không nhưng nếu thất bại, đây có thể là điểm khởi đầu của một cuộc khủng hoảng đối với thương hiệu trị giá 276 tỷ USD.
Như vậy, Johnson & Johnson đã đánh tín hiệu cho thấy hãng này sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện lần này thay vì đứng ra xin lỗi khách hàng như cách thức mà nhiều hãng áp dụng khi gặp khủng hoảng liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.