Mặc dù sẽ vẫn còn phải được Quốc hội Hy Lạp cùng một số nước khác thông qua, cũng như tiến hành thêm các cuộc đàm phán, nhưng thỏa thuận đạt được hôm nay (3/7) phần nào giải tỏa được bế tắc lâu nay cũng như giúp loại bỏ kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Thỏa thuận về nguyên tắc cho chương trình cứu trợ Hy Lạp bao gồm những cải cách sâu rộng và các hỗ trợ tài chính mà Athens sẽ nhận được. Khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone - tình huống mà trước đó nhiều người từng lo ngại đã được các nhà lãnh đạo Eurozone loại bỏ.
Ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho hay: “Các nhà lãnh đạo đã đồng ý về nguyên tắc rằng, chúng tôi đã sẵn sàng thảo luận về chương trình Cơ chế Bình ổn châu Âu, có nghĩa là tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp. Có nhiều điều kiện nghiêm ngặt cần phải tuân theo và để các cuộc thảo luận được bắt đầu thì Quốc hội một số nước, trong đó có Quốc hội Hy Lạp cần phải thông qua thỏa thuận này.
Tuy nhiên, quyết định hôm nay đã mang đến cho Hy Lạp cơ hội phục hồi với sự giúp đỡ của các đối tác châu Âu. Nó cũng giúp tránh được các hậu quả xấu về xã hội, kinh tế và chính trị. Tôi hoan nghênh những tiến bộ và những hành động mang tính xây dựng của Hy Lạp đã giúp tạo dựng lại niềm tin giữa các đối tác Eurozone”.
Ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết: “Ủy ban châu Âu luôn nhấn mạnh rằng chúng tôi không chấp nhận việc Hy Lạp rời khỏi khối và việc này sẽ không xảy ra. Chúng tôi hài lòng với kết quả đạt được hôm nay”.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, vào ngày 15/7 này, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách mà khối Eurozone đưa ra, bao gồm nhiều thay đổi lớn so với đề xuất trước đó của Athens trong lĩnh vực lương hưu, năng lượng, thị trường lao động, cải cách chính quyền và hệ thống tư pháp. Sau đó, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận để có thể bơm tiền giúp Hy Lạp trả nợ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!