Hai người trẻ Đức ủng hộ Anh ở lại với EU với nội dung “Nụ hôn chống lại thù ghét”. (Ảnh: Reuters)
Cuộc trưng cầu dân ý Brexit không phải là lần đầu tiên Anh “vùng vằng” đòi dứt áo ra đi. Mời quý độc giả cùng xem lại mối quan hệ sóng gió 40 năm giữa Anh và EU, tìm hiểu kỹ hơn một chút về lịch sử hai bên, trước khi nó có thể sẽ có một tương lai mới.
Sau 2 lần nộp đơn gia nhập nhưng bị từ chối do mâu thuẫn với Pháp, đến năm 1973, Anh chính thức trở thành thành viên Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tên gọi cũ của Liên minh châu Âu EU. Khi đó, EU mang đến những cơ hội thương mại mới hấp dẫn với một nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi gia nhập khối, Anh đã bộc lộ rõ sự miễn cưỡng trong việc trở thành một phần của một cấu trúc chính trị lớn hơn.
- 1975: Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi hay ở lại Cộng đồng kinh tế châu Âu. Kết quả là hơn 60% dân chúng ủng hộ Anh ở lại.
- 1984: Cựu Thủ tướng Magaret Thatcher đàm phán thành công thoả thuận cắt giảm ngân sách giữa Anh và Cộng đồng Kinh tế châu Âu.
- 1990: Anh gia nhập Hệ thống tiền tệ châu Âu nhưng lại rút ra sau 2 năm.
- 1995: Anh từ chối tham gia Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Hiệp ước tự do đi lại Schengen.
- 23/6/2016: Anh lần thứ 2 tổ chức trưng cầu dân ý về quyết định đi hay ở lại EU.
Tờ báo Le Figaro của Pháp cho rằng Anh - EU là "một cuộc hôn nhân nhiều lý trí hơn là tình cảm". Song mối quan hệ Anh - EU đã tồn tại hơn 43 năm, thử lửa qua nhiều khó khăn, nhiều thăng trầm. Một kịch bản tan vỡ có thể xảy ra nhưng sẽ khó. Mấu chốt để duy trì một mối quan hệ bền vững là cân bằng giữa các quyền lợi và trách nhiệm, Anh gồng mình lên đòi ra đi nhưng cân nhắc những tác động tiêu cực sẽ có nếu viễn cảnh này xảy ra, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhượng bộ để điều tiết mối quan hệ quay trở lại quỹ đạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.