Các phe xung đột tại Libya kéo dài đàm phán

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 23/03/2015 14:43 GMT+7

Đặc phái viên LHQ về Libya Bernardino Leon (trái) tại cuộc họp với các thành viên GNC ở Tripoli ngày 2/3. (Ảnh: AFP)

VTV.vn - Tiến trình đàm phán tại Maroc giữa các phe phái đối địch ở Libya sẽ được kéo dài.

Ngày 22/3, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Libya Bernardino Leon thông báo tiến trình đàm phán tại Maroc giữa các phe phái đối địch ở Libya sẽ được kéo dài và bày tỏ hy vọng đàm phán lần này sẽ đặt nền tảng cho một thỏa thuận cuối cùng hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Phát biểu tại Maroc, ông Leon cho biết tình trạng leo thang bạo lực tại thủ đô Tripoli của Libya trong 2 ngày qua đã làm ảnh hưởng đến tiến trình đối thoại, song các bên đều nhất trí về tầm quan trọng của đàm phán. Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HoR) và Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) đã thống nhất không có giải pháp quân sự tại Libya và sẽ tiếp tục đối thoại. Trong hai ngày 22 và 23/3, sẽ có thêm các cuộc tham vấn nhằm chuẩn bị tài liệu về việc thành lập chính phủ đoàn kết và dàn xếp an ninh, đặt ra các nguyên tắc làm cơ sở cho một thoả thuận cuối cùng. Đặc phái viên Leon hy vọng các cuộc tham vấn này sẽ đạt được những kết quả tích cực.

Ngày 20/3 vừa qua, các bên xung đột tại Libya đã nối lại đàm phán hoà bình tại thành phố Skhirat của Maroc nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Tuy nhiên, giao tranh đã bùng phát cùng ngày khi Chính phủ Libya được quốc tế công nhận cùng các lực lượng trung thành đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm giải phóng Tripoli, khiến GNC doạ sẽ rời khỏi bàn đàm phán.

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 120.000 người phải sơ tán, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.

Từ tháng 9/2014, LHQ đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước