Nông dân lên đời nhờ cỏ dại

P.P-Thứ năm, ngày 31/10/2024 05:51 GMT+7

VTV.vn - Nhiều hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long từ chỗ khó khăn thì nay đã trở nên khấm khá hơn nhờ loại cây bồn bồn.

Nhiều đời nay người dân Đồng bằng sông Cửu Long xem bồn bồn là một loại cỏ dại bởi giá trị không cao. Thế nhưng chuyện đó đã là quá khứ vì loại cây tưởng chừng bỏ đi này đã trở thành rau màu có giá trị. 

Ở vùng sông nước miền Tây, bồn bồn là loại cây rất quen thuộc bởi xuất hiện rất nhiều trên các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ăn sống, muối dưa, bồn bồn còn có thể chế biến thành các món ngon như xào với tép, nấu lẩu… 

Những tháng mùa mưa trong năm là thời điểm chất lượng và sản lượng của bồn bồn tốt nhất. Bồn bồn sinh trưởng ở vùng đất sình lầy nước ngọt, dễ trồng, dễ thu hoạch. Chỉ tính riêng huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã có khoảng 80 ha.

Theo chương trình Miền Tây hôm nay (VTV Cần Thơ), khi thu hoạch bồn bồn, người dân cần phải lặn sâu xuống nước hái và tước sơ vỏ. Các chị em phụ nữ ngâm mình trong nước suốt cả ngày dễ mệt và thấm lạnh. 

Đến thời điểm hiện tại Sóc Trăng có gần 230 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Mới đây sản phẩm dưa bồn bồn của huyện Mỹ Tú đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của bà con địa phương, đồng thời là động lực để bà con có thể có thêm nhiều sản phẩm phát triển từ cây bồn bồn nói riêng và các sản vật địa phương nói chung, để từ đó đưa những sản vật của địa phương đi xa hơn.

Có thể thấy rằng cây bồn bồn ngày nay không chỉ là một loại cỏ dại mà còn trở thành thực phẩm trên mâm cơm hàng ngày và ngành nghề mang lại nhiều giá trị vật chất cho bà con. Không chỉ giúp cho người dân Sóc Trăng thoát nghèo, cây bồn bồn hiện nay còn được trồng rất nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu… để giúp cho nhiều bà con ở đây khấm phá hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước