Nếu lăng Tự Đức mang vẻ đẹp truyền thống, lăng Khải Định sau này thể hiện rõ phong cách hiện đại thì lăng Đồng Khánh cho thấy sự chuyển giao giữa 2 lối kiến trúc này. Nằm trong quần thể lăng Đồng Khánh còn có lăng mộ của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, ông chính là người đã sinh ra 3 vị vua: vua Đồng Khánh, vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi.
Điện Ngưng Hy
Lăng vua Đồng Khánh về cơ bản vẫn mang lối kiến trúc truyền thống, phần lăng và phần tẩm nằm đối chiếu nhau. Phần tẩm của lăng vua Đồng Khánh quay về hướng Đông Nam. Khu thờ tự gồm 1 điện chính và 2 điện phụ với những dấu ấn kiến trúc nghệ thuật riêng biệt. Trải qua thăng trầm của thời gian những dấu ấn ấy lại càng khiến lăng trở nên cổ kính và độc đáo hơn.
Điện Ngưng Hy vừa là nơi thờ của vua Đồng Khánh vừa là khu vực diễn ra những nghi lễ thờ cúng quan trọng. Kiến trúc tại đây mang phong cách cung đình truyền thống với hệ thống cột gỗ lớn được điêu khắc công phu.
Bước vào trong điện du khách có thể cảm nhận được một không gian ấm cúng nhưng cũng không kém phần trang nghiêm. Điểm khác biệt của điện Ngưng Hy là có sự kết hợp một số chi tiết phương Tây. Đây cũng được coi là nơi bảo lưu nghệ thuật sơn son thiếp vàng, nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Việt Nam. Tham quan điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài độc đáo, đặc biệt là 24 bức tranh của điển tích "nhị thập tứ hiếu" tinh xảo và đầy ấn tượng.
Lăng vua Đồng Khánh
Khác với lăng của các vị vua thời trước được xây bằng vôi vữa, lăng vua Đồng Khánh được xây dựng bằng xi măng và sử dụng những viên gạch ca rô. Đây là loại gạch được du nhập từ Pháp về. Phần lăng mộ của vua Đồng Khánh nổi bật với những bức tường thành và hệ thống tượng đá trang trí đậm nét văn hóa truyền thống. Những bức tượng binh lính, quan văn, quan võ đứng đầu đều được chạm khắc tinh tế thể hiện sự tôn kính dành cho vị vua đã khuất.
Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều biến tấu của kiến trúc phương Tây, từ cách trang trí đến vật liệu xây dựng như tượng Quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, hay sử dụng các viên gạch màu làm điểm nhấn trên các bức tường thành. Mỗi khung cảnh tại đây đều rất lý tưởng để du khách có thể thỏa sức khám phá và chụp những bức ảnh ấn tượng.
Lăng Kiến quốc công Kiên Thái Vương
Nếu những lăng khác chỉ có 1 Bi đình thì lăng Kiên Thái Vương có tới tận 2 Bi đình. Trong đó 1 Bi Đình do 3 người con của ông là Vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh, vua Kiến Phúc viết. Cái còn lại là do vua Khải Định viết.
Trong hệ thống lăng tẩm các hoàng thân, quốc thích triều Nguyễn, lăng Kiên Thái Vương là ngôi lăng còn lại khá nguyên vẹn. Đến với địa điểm này du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp của kiến trúc mà còn tìm hiểu, chiêm ngưỡng sự độc đáo trong cách trang trí. Ngoài nghệ thuật khảm sành sứ rất tinh tế nhiều màu sắc, lăng Kiên Thái Vương còn sử dụng nghệ thuật pháp lam, nghệ thuật đắp nổi. Hầu hết mặt tiền, bình phong chính, trụ, cột, các tượng lân, rồng của mặt lăng đều được khảm sứ. Sự tỉ mỉ thể hiện rõ ở từng chi tiết. Cách cắt gọt cũng làm nổi bật lên phong cách khảm sứ cung đình. Đặc biệt nhất phải kể đến những chiếc đĩa trang trí được coi là tuyệt tác khảm sứ trong thời kỳ này.
Nếu xét về lịch sử thì Lăng Kiên Thái Vương còn là lăng có khảm sứ màu sớm nhất trong hệ thống lăng tẩm xứ Huế. Nghệ thuật trang trí khảm sứ độc đáo này kết hợp với phong cách tạo hình mang tinh thần nhân văn, dân gian đặc sắc đã xây dựng cho ngôi lăng một vị thế trong dòng chảy di sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!