Đó là cảnh báo của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an (C66) sau khi kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, theo Luật phòng cháy chữa cháy đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trách nhiệm chính về phòng cháy chữa cháy thuộc về chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để giảm chi phí, các doanh nghiệp luôn tìm cách đối phó, né tránh đầu tư theo yêu cầu bắt buộc về phòng cháy, chữa cháy.
Thực tế, chi phí cho công tác tư vấn và lắp đặt các hạng mục phòng cháy, chữa cháy còn quá cao khiến chủ đầu tư luôn tìm cách đối phó, né tránh. Hệ lụy là khi xảy ra cháy, nhà xưởng, tài sản thường bị thiêu rụi. Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân là do công đoạn này chưa được xã hội hóa. Vì vậy, các đơn vị tư vấn, lắp đặt dễ dàng trở thành sân sau của cơ quan quản lý Nhà nước, đẩy giá thành lên cao để hưởng lợi.
Theo Cục Quản lý xây dựng, Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do theo quy định hiện nay, thẩm quyền từ khâu kiểm định thiết kế đến quá trình kiểm tra phòng cháy, chữa cháy được trao cho duy nhất một ngành, đó là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Đó là lý do khi xảy ra cháy, nguyên nhân thường được đổ lỗi do chập điện hoặc một lý do rất chung chung nên hầu như không bao giờ thấy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm.
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Luật phòng cháy, chữa cháy 2013 quy định trách nhiệm không rõ ràng, cụ thể. Quy định về phòng cháy, chữa cháy không được thực hiện nghiêm túc là do cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ chú trọng mục tiêu lôi kéo được dự án, tăng ngân sách và tạo công ăn việc làm nên xem nhẹ vấn đề này. Do vậy mới có chuyện cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quyết định đình chỉ nhưng không thể thực thi. Cũng theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, công tác phòng cháy, chữa cháy cần được xã hội hóa theo hướng phân định rõ như một trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của cộng đồng.
Từ đầu năm tới nay, cả nước xảy ra hơn 2.370 vụ cháy, làm chết 90 người, bị thương gần 150 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.300 tỷ đồng. Những thiệt hại này đều do doanh nghiệp và người lao động phải hứng chịu mà chưa thấy tổ chức hay cá nhân nào phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.