Ngày càng có nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt xuất hiện trên các trang mạng xã hội, gây tổn hại không nhỏ tới uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đó là công bố của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an.
Nhiều trang mạng xã hội còn đăng tải những thông tin mang tính chất bôi nhọ và xuyên tạc về các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước với mục đích gây chia rẽ nội bộ, tác động tiêu cực đến niềm tin nhân dân. Những thông tin dạng này thường xuất hiện nhiều hơn cả về về mật độ và cường độ mỗi khi đất nước chuẩn bị có một sự kiện chính trị lớn.
Các phân tích trên hệ thống báo chí chính thống trong nước cho thấy, thủ đoạn tung tin bịa đặt trên các trang mạng xã hội là ngụy tạo thông tin, dựa trên thông tin đã được công bố công khai để xuyên tạc ra những sự kiện gắn với tổ chức, cá nhân cụ thể, tung lên các blog, facebook cá nhân. Sau đó đăng lại trên nhiều địa chỉ khác nhau. Có nhiều thông tin bịa đặt nhắm vào các vị lãnh đạo cấp cao, những người được đưa vào diện quy hoạch nhân sự.
Đặc điểm chung của các thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên các trang mạng xã hội đó là khơi gợi sự tò mò của người đọc. Chính vì vậy, ngay sau khi đọc, người ta thường lập tức gửi cho nhau qua các đường link tới các trang Facebook cá nhân với sức lan tỏa cực nhanh, khó kiểm soát. Theo các chuyên gia an ninh mạng và lực lượng bảo vệ pháp luật thì nguy cơ chiến tranh thông tin trên mạng là rõ ràng và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cảnh báo, việc một số tổ chức, đối tượng tung các tin xuyên tạc, bịa đặt trên các trang mạng xã hội là một dạng chiến tranh thông tin đặc biệt nguy hiểm. Người dân muốn kiểm chứng cũng khó vì đôi khi không có thông tin chính thống. Mục tiêu chính của thủ đoạn này là gieo rắc sự hoang mang, hoài nghi trong dư luận, đe dọa sự ổn định và phát triển đất nước.
Không thể phủ nhận những tiện ích do Internet mang lại nhưng tác động tiêu cực khi Internet bị lợi dụng cũng để lại những hậu quả khôn lường, nhất là khi thông tin xuyên tạc, bịa đặt tác động lên nhận thức xã hội và định hướng chính trị. Và không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã phải đối mặt với dạng thông tin kiểu này.
Vào đầu năm 2013, khi thông tin bịa đặt về việc Chủ tịch ngân hàng BIDV bị bắt được lan truyền trên các trang mạng xã hội đã làm chao đảo thị trường tài chính, tiền tệ. Hàng trăm mã chứng khoáng bị giảm điểm, giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch. Đó là chưa kể đến uy tín của ngân hàng BIDV và uy tín và danh dự của ông chủ tịch ngân hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các đối tượng tung tin bịa đặt này chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Nghị định 174 quy định xử phạt hành vi phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự từ 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức nào thì truy cứu hình sự lại không được quy định rõ. Vì vậy, chế tài áp dụng chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính nên nhiều đối tượng xấu sẵn sàng nộp phạt để tung tin bịa đặt với mục tiêu bất chính.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Hiến pháp nước ta bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận phải được thực hiện theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, làm thế nào để vừa đảm bảo được quyền tự do ngôn luận, vừa lành mạnh hóa được môi trường thông tin trên mạng Internet phải được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.