Nằm cách Hà Nội chừng 20 km, làng Hạo (Hưng Yên) đón khách sau cánh cổng làng sơn vàng nằm im lìm dưới tán cây in màu của trưa nắng. Trước đây, cả làng Hạo đều làm mặt nạ giấy bồi và trống theo nghề truyền thống nhưng hiện nay số lượng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính vì số lượng nhà làm không còn nhiều mà mỗi dịp trung thu cận kề, các hộ gia đình đều phải thuê thêm nhân công mới đủ cung ứng được lượng hàng lớn ra thị trường.
Để có được một chiếc mặt nạ phải trải qua nhiều bước và mỗi người thợ sẽ phụ trách từng công đoạn khác nhau. Trong ảnh là công đoạn đầu tiên, tạo khuôn cơ bản cho một chiếc mặt nạ.
Sau quá trình tạo khuôn, mặt nạ sẽ được chuyển tới một thợ khác để dán giấy bồi. Điều đặc biệt là loại keo được sử dụng trong tất cả các công đoạn làm mặt nạ đều được làm từ bột sắn quấy đặc.
Mặt nạ được dán đủ các lớp giấy cần thiết sẽ được mang phơi nắng cho thật khô sau đó mới được đem đi sơn màu, tạo thành vẻ mặt đa dạng của mỗi nhân vật.
Tùy vào từng hộ gia đình mà người phụ trách mỗi công đoạn lại khác nhau. Sau khi sơn, mặt nạ lại được đem phơi nắng một lần nữa để bền màu và giữ được lâu.
Khi chuẩn bị xuất xưởng, mặt nạ mới được đem xỏ dây để chắc chắn hơn cho người đội trong quá trình di chuyển.
Mỗi hộ gia đình đều có một khu nhỏ để trưng bày các sản phẩm do chính gia đình mình làm ra như một cách để quảng bá cho làng nghề truyền thống.