Xuất khẩu gỗ: Đơn hàng lớn vào tay doanh nghiệp FDI

Quỳnh Như-Thứ sáu, ngày 23/08/2013 10:14 GMT+7

 Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước đã gia tăng sản xuất và không lo thiếu đơn hàng, tuy nhiên, những đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn lại chủ yếu về tay các doanh nghiệp FDI.

Công ty cổ phần gỗ Trường Thành là một trong số ít ỏi các doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã phải bỏ lỡ hàng trăm hợp đồng xuất khẩu gỗ có tổng trị giá tương đương 50 triệu USD. Đây là những hợp đồng của các khách hàng vốn đã thân thuộc và phần lớn là những khách hàng mới từ các thị trường tiềm năng.

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Trường Thành cho biết: “Do doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn để tiếp nhận những đơn hàng lớn, chỉ nhận những đơn hàng trong khả năng của doanh nghiệp. Chính vì vậy doanh số của chúng tôi năm nay không có bước phát triển thậm chí bị thụt lùi. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước cũng đang bị tình trạng này trong ngành gỗ của chúng tôi”.

‘ Ảnh: VTV News

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 7 tháng đầu năm 2013 đạt 2,91 tỷ USD tăng 12,65%. Nhưng thực tế, đa số thị phần và hợp đồng giá trị lớn đều chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là các doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc…

Những doanh nghiệp FDI này có lợi thế hơn vì họ có nguồn khách hàng ổn định, nhà xưởng quy mô và nguồn vốn lớn. Ngược lại, tiềm lực tài chính là hạn chế lớn nhất đối với doanh nghiệp trong nước, khi phải phụ thuộc tới 70-80% vốn lưu động từ ngân hàng. Nhưng vài năm trở lại đây, ngân hàng siết hạn mức vay nên doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn.

Ông Võ Trường Thành cho biết thêm: “Muốn làm hàng xuất đi cho những đơn hàng lớn cần phải có vốn lớn. Các ngân hàng cũng đã giảm đi hạn mức vay nhưng thỉnh thoảng có những trường hợp bất ngờ bị thu tiền lại và làm cho các doanh nghiệp bị “gãy” kế hoạch sản xuất kinh doanh”.

Theo Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, hiện năng suất các doanh nghiệp trong nước phần lớn chỉ nhận những đơn hàng khoảng từ 40-50 container/tháng. Còn những đơn hàng từ hơn 100 container/tháng thì nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Chủ tịch Hiệp hội này cũng nhận định, trong giai đoạn này đa số các doanh nghiệp nội địa chỉ sản xuất đủ năng lực và chủ yếu chuẩn bị có việc tái cơ cấu.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho rằng: “Muốn tồn tại phát triển, các doanh nghiệp nên tính đến chuyện thay đổi công nghệ. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, tôi thấy điều các các doanh nghiệp đang làm là tái cơ cấu”.

Ông Thanh cũng cho rằng, hiện quy mô các doanh nghiệp FDI lớn nhưng về số lượng các doanh nghiệp này lại không tăng lên, trong khi đó, nhu cầu các đơn hàng gỗ xuất khẩu ngày càng tăng. Vì vậy trong giai đoạn này việc tái cơ cấu sẽ tạo cho các doanh nghiệp trong nước cơ hội tiếp cận các đơn hàng lớn trong những năm tiếp theo, có thể là năm 2014, 2015.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước