Kết thúc phiên chiều 31/3, tổng lượng cổ phiếu quỹ DN mua vào chỉ đạt 600.000 đơn vị, bằng 12% so với khối lượng đăng ký. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh, đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam cho biết, khối lượng cổ phiếu quỹ mua vào ít là do công ty làm theo lời tư vấn của một công ty chứng khoán. Theo lời tư vấn này thì mỗi ngày công ty chỉ nên đặt mua từng chút một, nhằm tránh đẩy giá lên cao, thậm chí nếu đặt mua ồ ạt còn có thể khiến nguồn cung biến mất. DN sẽ mua đắt, thậm chí còn không thể mua được, lệnh mua dè dặt trong khi thời gian lại quá ngắn.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó TGĐ Tổng Công ty Khí Việt Nam: “Việc đăng ký thời gian, UBCK yêu cầu Tổng công ty bổ sung hồ sơ và thời gian bị kéo dài, dẫn đến thời gian thực tế thực hiện bị ngắn lại 25-31/3, vì thế khối lượng thực hiện không đạt được như đăng ký”.
Đại diện phía GAS cho biết, ngày 1/4 sẽ báo cáo kết quả thực hiện và xin ý kiến Hội đồng về việc tiếp tục mua nữa hay không.
Không chỉ GAS không hoàn thành kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác như PVI, PVD cũng thất hứa với thị trường. Để hạn chế tình trạng này, các thành viên thị trường kiến nghị, cần có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp thực hiện kế hoạch đã công bố.
Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc - Công ty chứng khoán MBS cho rằng: “Mỗi doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ phải đăng ký khối lượng, vùng giá có thể mua và khi giá về vùng đó là phải bắt buộc mua. Vậy nên doanh nghiệp sẽ không giải thích rằng giá không hợp lý nữa”.
Ông Bùi Quang Hải - Phó Vụ trưởng Vụ phát hành - UBCKNN cho biết: “Từ những phản ánh trên thị trường, UBCKNN vẫn đang cùng các sở giao dịch chứng khoán giám sát chặt chẽ hơn nữa việc giao dịch cổ phiếu quỹ. Khi chúng tôi phát hiện các kế hoạch không phù hợp với pháp lý hiện hành, hoặc không thực hiện đúng như các thông tin công bố thì sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải điều chỉnh các phương án”.
Từ câu chuyện trên có thể thể thấy, DN thà thất tín với thị trường còn hơn bị thiệt hại do mua phải giá cao. Còn nhà đầu tư mong muốn DN thực hiện đúng kế hoạch để họ có thể bán được cổ phiếu ở mức giá tốt. Đây là sự giằng co quyền lợi giữa DN và các nhà đầu tư trên thị trường, mà chỉ có quy định, luật lệ mới có thể chi phối được. Tuy nhiên, theo UBCKNN, thời gian tới chưa có bất cứ thay đổi nào trong cơ chế quản lý vấn đề này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.