Thương lái Trung Quốc gây rối thị trường tôm nguyên liệu trong nước

Tấn Quýnh-Thứ ba, ngày 01/10/2013 19:00 GMT+7

 Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian gần đây, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu để đưa sang Trung Quốc đã đến mức báo động và đang gây rối thị trường tôm nguyên liệu trong nước.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là khi tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Vào lúc này, những khó khăn của các doanh nghiệp đã lộ rõ trước sự cạnh tranh thiếu công bằng từ phía các thương nhân nước ngoài mua gom tôm ở Việt Nam.

‘ Thương lái mua gom tôm (Ảnh: NLĐ)

Nhà máy chế biến tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận, Cam Ranh có hơn 1.000 công nhân đang làm việc. Nếu nhà máy gặp khó khăn, ngay lập tức, đời sống của 1.000 công nhân bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến cuộc sống của ít nhất 1.000 hộ gia đình. Nhưng khó khăn đang xảy ra đối với nhà máy này. Từ chỗ mỗi ngày mua vào được 60 tấn tôm nguyên liệu thì 1 tháng nay, chỉ còn từ 10-15 tấn.

Từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn ở trong nước đều khó có thể đưa ra mức giá thu mua tôm cao hơn so với các thương nhân nước ngoài. Cơn sốt mua gom tôm nguyên liệu lan rộng khắp cả nước từ 2 tháng nay, khi tình trạng khan hiếm nguyên liệu tôm đã xảy ra trên diện rộng khắp khu vực Đông Nam Á.

Các thương nhân nước ngoài hoặc trực tiếp lộ diện, hoặc thông qua các đầu mối trung gian ở trong nước tranh nhau mua tôm, đẩy giá tôm nguyên liệu cao hơn từ 15-20%. Một so sánh được đặt ra ở đây, về phía người nuôi tôm, so với giá tôm cách đây vài tháng chỉ là 80.000 đồng/kg 100 con thì hiện giá tôm ở mức kỷ lục 130.000 đồng/kg 100 con. Mỗi kg tôm, người nuôi tôm có thu nhập tăng thêm 50.000 đồng, cơ hội có lãi được cao hơn.

Giá thu mua tôm cao là điều mừng nhưng điều đáng nói ở đây, giá tôm đẩy lên cao từ phía thương nhân nước ngoài vốn trốn được các khoản thuế theo quy định. Đây là lý do khiến cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm trong nước, nếu đẩy giá thu mua lên cao thì chắc chắn sản xuất không có lãi.

Không riêng mặt hàng tôm thẻ chân trắng, tại các cảng cá, thương lái nước ngoài tranh mua thủy sản là chuyện thường ngày. Cái khó trong kiểm soát hành vi mua bán trái phép của thương nhân nước ngoài ở chỗ: nhìn bề ngoài, việc mua bán tưởng như là của các chủ vựa trong nước. Thế nhưng, các chủ vựa này lại làm việc cho các thương nhân và bị thao túng bởi những thương nhân núp bóng sau chủ vựa.

Ông Đỗ Hữu Việt, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Nha Trang cho rằng: “Các tổ chức đặc biệt là nước ngoài vào thu mua phải xem tính pháp lý như thế nào, đã làm thủ tục với nước ta hay chưa để họ thực hiện theo các nghĩa vụ. Nếu không kiểm tra giám sát, điều này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước".

Đằng sau những gì xảy ra từ hoạt động mua gom thủy sản của thương nhân nước ngoài một lần nữa, vấn đề tổ chức mạng lưới tiêu thụ thủy sản ở nước ta lại được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, thủy sản từ khâu sản xuất đến khi về các nhà máy chế biến qua nhiều khâu trung gian, các doanh nghiệp chưa có hợp đồng mua bán với những vùng nguyên liệu ngay từ đầu. Môi trường kinh doanh này khiến cho tình trạng thương nhân nước ngoài lách luật trốn thuế mua gom thủy sản và gây xáo trộn thị trường cứ tiếp diễn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước