Thông tư 30 Bộ Y tế - Bước đi đầu tiên chấn chỉnh thị trường sữa

Nguyễn Trang - Phùng Sơn-Thứ tư, ngày 09/10/2013 10:44 GMT+7

 Sau những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ về việc chấn chỉnh quản lý thị trường sữa, Bộ Y tế đã chính thức ban hành Thông tư 30 quy định danh mục sữa thuộc diện bình ổn giá.

Đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý sau những diễn biến loạn giá sữa trên thị trường thời gian qua. Và tiếp sau đây sẽ còn thêm nhiều biện pháp nữa được triển khai để lấy lại niềm tin người tiêu dùng đối với thị trường sữa.

‘ Người tiêu dùng kỳ vọng thị trường sữa đảm bảo về chất lượng và ổn định về giá

Trước đây chỉ những sản phẩm sữa mới được quản lý giá thì nay, các sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung sẽ thuộc diện hàng bình ổn giá. Nếu trước đây chỉ sản phẩm sữa cho trẻ em từ 0-36 tháng tuổi mới được quản lý giá thì nay sản phẩm sữa cho trẻ từ 0-6 tuổi cũng phải được bình ổn giá.

Đó là những điểm mới, được bổ sung trong Thông tư 30 do Bộ Y tế vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/11 tới. Bước đầu thông tư này đã nhận được những phản ánh tích cực của người tiêu dùng

Một người tiêu dùng chia sẻ: “Mong rằng nếu mình đã có ra chỉ thị thông tư bình ổn này rồi thì phải giữ được giá người dân an tâm dùng sữa cho các cháu”.

Kì vọng, mong chờ vào thị trường sữa đảm bảo về chất lượng và ổn định về giá cả là tâm lý của người tiêu dùng vào lúc này. Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 30 cũng mới chỉ dừng ở việc quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Còn cơ chế bình ổn giá ở đây vẫn là khái niệm phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tế. Các doanh nghiệp vẫn được phép tăng giá nếu có báo cáo giải trình cụ thể với cơ quan quản lý.

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý giá, Thông tư 30 chỉ mới giải quyết được một trong những nguyên nhân tăng giá sữa vô lý thời gian qua. Đó là chuẩn hóa lại tên gọi thuộc diện quản lý giá của nhà nước bao gồm cả sữa và thực phẩm dinh dưỡng nằm trong diện kiểm soát về giá. Còn thực chất để kiểm soát được triệt để và hiệu quả giá sữa cho trẻ em, Nhà nước sẽ còn cần phải sử dụng nhiều biện pháp và công cụ khác nữa. Còn không thì giá sữa vẫn có cách để leo thang bất chấp quy định của cơ quan Nhà Nước.

Ông Ngô Trí Long cho rằng: “Ngoài chiêu trò thay đổi tên gọi để lách sự quản lý giá còn rất nhiều chiêu trò khác như có thể thay đổi mẫu mã, bao bì, kê khai tiền lương tăng, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí tiếp thị… Nhà nước phải tiến hành thanh và kiểm tra hết sức nghiêm túc hoạt động chi phí kinh doanh, xử phạt nghiêm minh. Trên cơ sở đó mới đảm bảo được lợi ích của người tiêu dùng”.

Phải nhìn nhận một thực tế, việc ban hành Thông tư 30 của Bộ Y tế chỉ là bước đầu tiên trong chiến dịch kiểm soát giá mặt hàng sữa. Còn hiệu quả thực sự thì vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt, cụ thể của cơ quan trực tiếp quản lý. Được biết thời gian tới, Liên Bộ Tài chính – Y tế sẽ có cuộc họp để triển khai nội dung thông tư này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước