Trương Văn Thìn tại Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc 2014 - Ảnh: T.P.
Trương Văn Thìn (38 tuổi) là một trong những gương mặt xuất sắc nhất hạng cân 80kg polio (liệt chân) môn cử tạ nam. Trong khoảng 10 năm thi đấu, anh đã giành được 5 HCV, 3 HCB và 5 HCĐ tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Đó là chưa kể tấm HCĐ tại ASEAN Para Games 2003. Chân teo tóp nhưng đôi tay Thìn lại rắn chắc, kết quả của quá trình khổ luyện. Nhưng sức mạnh cơ bắp đó khó sánh bằng ý chí của anh trong cuộc sống.
Sinh ra giữa xứ Huế đẹp như mộng mơ nhưng cuộc đời Thìn lại bắt đầu từ những nốt trầm buồn. Khi anh còn chưa nhận thức được vạn vật xung quanh thì cơn sốt bại liệt đã ập đến cướp đi đôi chân khỏe mạnh.
Thìn tâm sự: “Tôi lớn lên trong nhiều mặc cảm con nhà nghèo (ba làm thợ may, mẹ bán rong nuôi sáu người con) lại bị liệt. Bạn bè ác ý chọc ghẹo. Tôi chỉ cắm đầu vào sách vở với hi vọng tương lai không còn thua thiệt và cũng để chứng minh mình tàn nhưng không phế”. Thương cha mẹ nghèo khổ công nuôi mình ăn học, Thìn không ngại gian nan, khập khiễng trên đôi nạng đến trường suốt những năm cấp I, cấp II và sau đó thường xuyên quá giang bạn bè đến ngôi trường cấp III cách nhà hơn 3km. Không ít lần lũ bạn vui quá bỏ quên, anh phải chống nạng cả giờ đến trường chứ nhất quyết không bỏ học. Khó thế mà Thìn luôn học khá, giỏi, sau đó thi đậu vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 1995.
Ra trường với tấm bằng kỹ sư điện tử viễn thông năm 2000, Thìn vật vạ suốt ba năm trời mà không tìm được việc vì đôi chân tật nguyền của mình. Sau đó, anh “trú chân” ở Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật Thừa Thiên - Huế để có điều kiện học tiếp lấy bằng cử nhân tiếng Anh vào năm 2009. Thìn chia sẻ: “Tôi xác định phải học để khai hóa đầu óc và tự tin trong cuộc sống. Tôi yêu thích ngoại ngữ từ nhỏ và xác định tiếng Anh sẽ kết nối mình làm việc với người nước ngoài trong tương lai”.
Từ nhỏ, Thìn đã chơi nhiều môn thể thao như bóng bàn, bơi, thể hình.. và cử tạ để giảm áp lực học tập. Ngoài bộ huy chương cử tạ, Thìn từng đoạt HCĐ bơi lội tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013. Thìn cho biết: “Thể thao giúp tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, giao lưu với bạn bè đồng cảnh ngộ để thấy rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Tuy nhiên tôi thi đấu thể thao chỉ để tô thêm chút màu sáng cho cuộc đời mình chứ không thể sống bằng nghề VĐV”.
Chúng tôi bỗng chạnh lòng trước tâm sự của Thìn: “Tôi đã nỗ lực hết sức để vươn lên nhưng hạnh phúc vẫn chưa trọn vẹn vì xã hội còn nhiều ánh mắt hoài nghi năng lực người khuyết tật. Tôi khao khát một công việc đúng chuyên ngành kỹ sư của mình. Giấc mơ đó thật gần nhưng cũng thật xa...”.