Nhiều giải pháp cấp bách được đề xuất tại hội thảo về Võ thuật cổ truyền Việt Nam

P.VCập nhật 11:26 ngày 04/08/2023

VTV.vn - Ngày 3 - 4/8, Hội thảo "Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam đến năm 2030" đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, các nhà quản lý thể dục - thể thao, các nhà khoa học lịch sử, thể dục thể thao, các võ sư… Được lựa chọn từ nhiều bài tham luận, hội thảo đã chọn ra những nội dung sâu sắc và cấp thiết nhất để trình bày và luận bàn nhằm tạo ra kết quả phục vụ cho kế hoạch phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới.

Thông qua hội thảo, nhiều vấn đề đã được nêu ra và kèm theo các giải pháp sát thực tế được đề xuất. Đây được xem là bước tiến lớn của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong tiến trình ổn định, phát triển, hội nhập với phong trào võ thuật quốc tế… Bốn tổ nhóm chuyên môn được các nhà khoa học, chuyên gia, võ sư bàn luận sâu các vấn đề:

- Nhóm giải pháp về chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.

- Nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

- Nhóm giải pháp về xây dựng, nâng cao chất lượng phong trào Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

- Nhóm giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn Võ thuật cổ truyền và Hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Nhiều giải pháp cấp bách được đề xuất tại hội thảo về Võ thuật cổ truyền Việt Nam - Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thành lập năm 1991, đến nay đã trải qua 5 kỳ đại hội và Liên đoàn đang tiếp tục được củng cố về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, Võ thuật cổ truyền Việt Nam có ở 58 tỉnh/thành, trong đó có trên 43 tổ chức Hội, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp tỉnh/thành, bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc tổ chức Hội; có trên 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái và võ đường đang hoạt động, thu hút khoảng 80 ngàn võ sinh tham gia tập luyện; có khoảng 600 Võ sư (cấp 18 và trên cấp 18), hơn 500 Chuẩn Võ sư (cấp 17), 600 trợ giáo trung cấp (cấp 15, 16), 1.100 hướng dẫn viên.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có những đổi thay theo từng thời kỳ phát triển của dân tộc, tuy vậy, Võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn luôn giữ được bản sắc đặc thù của nét văn hóa người Việt. Nổi rõ lên là tinh thần "Võ đạo": đạo đức, lễ nghĩa, trung tín… của người luyện võ dân tộc. Các bài võ cổ truyền khởi đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ, các bài quyền đều được bắt đầu bằng bái tổ (Tam bộ bái tổ, nhị bộ kính sư, hồi thân lập trụ…) và kết thúc cũng bằng bái tổ (Thối hồi đơn phụng quang châu; Chân theo xà tấn kiếm hầu tổ sư). Đó là thông điệp giáo dục đạo đức, văn hóa người Việt mà các bậc chân sư gửi vào bài võ để nói lên tinh thần đạo đức trong võ thuật đó chính đặc điểm nổi bật và đặc sắc tinh hoa của môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Nhằm phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam vào sâu hơn với hoạt động tập luyện võ thuật cổ truyền tại các ngành, Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được đưa vào chương trình huấn luyện chính thức trong quân đội, công an.

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng đã đưa võ cổ truyền vào trường học, đây là một chủ trương mang tầm chiến lược. Võ thuật cổ truyền Việt Nam được đưa vào giảng dạy, đào tạo chính quy và không chính quy ở một số trường học trong cả nước, đặc biệt là trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo chính quy từ 2007 đến nay được 14 khóa, trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng và một số trường khác như trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, trường Đại học Nông Lâm, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, trường Đại học Cần Thơ…

Nhiều giải pháp cấp bách được đề xuất tại hội thảo về Võ thuật cổ truyền Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều vấn đề đã được nêu ra và kèm theo các giải pháp sát thực tế được đề xuất tại hội thảo

Sau hai ngày làm việc sôi nổi, nhiều ý kiến cụ thể được đề xuất, kèm theo các giải pháp được nêu ra như:

- Khôi phục lại các ngôi Võ miếu tại Hà Nội, Huế… nhằm khơi dậy niềm tự hào cho các thế hệ trẻ.

- Số hóa tư liệu của võ thuật cổ truyền tới các môn phái, võ phái…

- Tổ chức được hình thức như Quỹ hỗ trợ võ thuật (bằng các hoạt động biểu diễn, xã hội hóa…).

- Biên soạn các bài quyền, hệ thống kỹ thuật đơn giản để bạn bè quốc tế dễ tiếp cận, tập luyện để lan tỏa ra quốc tế thuận lợi hơn.

- Tập trung sâu hơn cho công tác quảng bá, truyền thông hình ảnh Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

- Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn các trọng tài, giám khảo để điều hành các giải trong nước về quốc tế.

- Tuyển chọn một đội chuyên nghiệp về quyền thuật và đối kháng có ngoại hình đẹp và kỹ thuật chuyên môn tốt phục vụ biểu diễn tour du lịch, chương trình sân khấu khóa, ngày lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc, nhằm giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu biết Võ thuật cổ truyền Việt Nam…

Hội thảo đã thể hiện mong muốn về sự phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam của đông đảo những người yêu võ cổ truyền trong và ngoài nước. Thông qua các bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, võ sư… nhiều vấn đề cấp bách đã nêu và thời gian sớm nhất sẽ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện thực hóa vào công tác quản lý, điều hành. Qua hội thảo, những hy vọng về sự phát triển nghiêm túc, khoa học, sát thực tế nhất đã được các đại biểu khẳng định. Những người hâm mộ Võ thuật cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ là một điểm nhấn của văn hóa, con người Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1