Công Vinh sang Nhật được xem là một trong những sự kiện “hot” của bóng đá Việt Nam trong năm 2013. Sau gần 5 tháng hợp đồng với Sapporo, Công Vinh sắp trở lại quê nhà và lúc này, nhiều người đã coi anh là niềm tự hào, biểu tượng của bóng đá Việt. Thiết nghĩ, nếu chỉ coi một vài trận đấu Công Vinh được thi đấu ở giải hạng 2 nước Nhật đã là tự hào thì chính chúng ta, những người hâm mộ đang rẻ rúng bóng đá Việt và giải bóng đá chuyên nghiệp, V-League có lịch sử hơn một thập kỷ.
Đại diện của Sapporo từng nhận xét Công Vinh là một trong những tiền đạo hàng đầu và có thể giúp đội bóng đang chơi ở giải hạng 2 nước Nhật thành công. Nhưng sau khi sang xứ hoa anh đào, Công Vinh cũng phải đợi đến trận thứ 3 mới được phép ra sân và cũng chỉ vẻn vẹn 5 phút cuối giờ, với mục đích chào hỏi khán giả. Vậy có thực sự Sapporo cần Công Vinh để cải thiện tình hình thi đấu của đội bóng?
‘ Công Vinh trong màu áo CLB Sapporo - Ảnh: TT&VH
Trên thực tế, Công Vinh cũng đã rất nỗ lực để chiếm lấy sự tin tưởng của HLV Keiichi Zaizen bằng việc luyện tập chăm chỉ cũng như ngoan ngoãn thi đấu ở vị trí tiền vệ phải cho dù xuất thân là tiền đạo. Theo thời gian, Công Vinh đã giành được đôi chút thành quả khi được cho ra sân đá chính nhiều hơn và đến bây giờ, Sapporo còn có ý thiết tha muốn gia hạn với Công Vinh.
Nhưng hãy xem, Công Vinh thi đấu cho Sapporo 7 trận và ghi được 2 bàn thắng; như vậy không thể nói chàng tiền đạo xứ Nghệ đã góp công lớn vào thành tựu của đội bóng. Trong trận đấu gần đây nhất, Sapporo thắng đậm 3-0, báo giới nước nhà nói rằng “Công Vinh tỏa sáng" hay "Công Vinh mang về chiến thắng cho Sapporo…”.
Nhìn nhận từ góc độ chuyên môn, nếu chỉ đá quả phạt góc rồi giúp đồng đội ghi bàn đã được coi là tỏa sáng thì bàn thắng vào lưới Thái Lan giúp Việt Nam vô địch Đông Nam Á (2008), chẳng đến lượt CV9 kể công.
Ở một khía cạnh khác, việc đội bóng nước Nhật muốn gia hạn hợp đồng với Công Vinh thì hãy nhìn vào bài toán kinh tế cũng như thái độ của Sapporo đối với SLNA.
‘ Công Vinh đã không thể giúp Sapporo thăng hang mùa này - Ảnh: Goal
Đội bóng nước Nhật không hề cử phái đoàn hay đại diện nào tới gặp SLNA. Đơn giản chỉ là một văn bản với lời đề nghị trị giá 60.000 USD được gửi từ Nhật với mong muốn nhượng lại Công Vinh. Số tiền đó chênh lệch rất nhiều so với mức 5 tỷ đồng mà báo giới vẫn đồn thổi bấy lâu nay. 60.000 USD (1,2 tỷ VNĐ), số tiền đấy chắc chắn không thể thuyết phục nổi SLNA.
Tất cả để nhận thấy một thực tế, trong mắt ông chủ của Sapporo, Công Vinh cũng có cái giá của mình và chỉ có thể là 1,2 tỷ, không hơn!
Trong mắt những người quản lý Sapporo, Công Vinh đơn giản chỉ là con gà đẻ ra trứng vàng khi lượng CĐV đến sân đông hơn, các gian hàng áo đấu cũng trở nên đắt khách và hơn hết, bản hợp đồng truyền hình của Sapporo với Sumitomo có liên quan tới Công Vinh. Hãng truyền thông này muốn mượn tên Công Vinh để quảng bá hình ảnh tại Đông Nam Á và tâm điểm là Việt Nam.
Do đó, khó có thể coi rằng Sapporo thực sự yêu mến Công Vinh và những gì chàng tiền đạo xứ Nghệ làm được tại Nhật vẫn rất mờ nhạt. Có lẽ, điều đáng tự hào cho bóng đá Việt mà Vinh đóng góp khi khoác áo Sapporro chỉ đơn giản là sản phẩm của giới truyền thông nước nhà.
Chỉ có được trận hòa 0-0 trước Giravanz Kitakyushu, Consadole Sapporo đã không thể giành vé tham dự vòng play-off lên hạng và kết thúc J.League 2 mùa giải 2013 ở vị trí thứ thứ 8 với 64 điểm. |