Chuyện chép ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam

Minh Tân, Tiến ThànhCập nhật 12:00 ngày 15/10/2013

 Giữa lúc các trung tâm bóng đá trẻ do tư nhân đầu tư đang ngày càng phát triển và bắt đầu đến thời kỳ hái quả ngọt thì Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam mới đi vào hoạt động.

Sự khởi đầu này là quá muộn nếu nhớ rằng đây là mong muốn và mục tiêu của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm qua. Nhưng có thể sự ra đời này cũng là gượng ép nếu nhìn vào những gì trung tâm này đang có.

Với nguồn vốn 140 tỷ đồng và hệ thống cơ sở vật chất khá tốt, bước đầu tiên để tạo nên một trung tâm đào tạo có thể coi là khá vững chắc. Thế nhưng ngay ở khâu tiếp theo quan trọng hơn nhiều là tuyển chọn đầu vào thì người ta đã thấy vấn đề.

‘ Toàn cảnh sân tập của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

Trung tâm đề nghị các câu lạc bộ gửi các em tốt nhất của mình ở lứa U16 để huấn luyện tập trung sau khi thành tài sẽ lại về phục vụ cho câu lạc bộ. Dù là vậy nhưng theo lẽ thường, chẳng có đội bóng nào muốn gửi người tốt nhất của mình cho một trung tâm mà họ còn chưa biết gì nhiều.

Ở thời điểm hiện tại, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có 1 đội U16 nam và U19 nữ.

Chia sẻ về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Chương, quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cho hay: "U16 nam thì vẫn còn một số hạn chế, các cháu là các CLB đào tạo mà đưa về trung tâm thì vẫn chưa phải là những vận động viên tốt nhất. Vấn đề này tôi sẽ phải bàn bạc với các CLB để họ phối hợp với trung tâm".

Cũng thật khó để trách các CLB khi họ không chịu gửi những mầm non tốt nhất của mình lên cho một trung tâm mới thành lập và một đội ngũ HLV cũng không phải những người có tiếng, mà chỉ là những người có lòng và sẵn sàng hưởng mức lương khiêm tốn mà liên đoàn đưa ra. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa về chuyên môn là lứa tuổi 16 cũng không thực sự phù hợp cho việc huấn luyện kỹ thuật cơ bản.

Ông Lê Tuấn Long, HLV trưởng đội dự tuyển U16 Việt Nam cho biết: "Theo tôi thì lớp này phải hình thành từ những lứa tuổi ít hơn, 11, 12, 13 thì dễ uốn nắn kỹ thuật cơ bản hơn. Như các em này thì hình thành rồi, ít nhất cũng tập được 2, 3 năm rồi".

Cầu thủ không phải là xuất sắc nhất, HLV cũng chỉ ở mức bình thường, vậy thì xem ra một chiến lược đào tạo có bài bản được tính toán kỹ càng cũng là chuyện chưa thể có ở thời điểm này.

Ông Nguyễn Văn Chương, quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cho biết: "Các bạn thấy sự thành công của HAGL JMG thì nền bóng đá Việt Nam cần chuyên gia nước ngoài để đưa ra lộ trình đào tạo. Đó là việc rất cần thiết. Chúng tôi muốn tới đây trung tâm sẽ có 1 chuyên gia người nước ngoài để trực tiếp hướng dẫn, đưa ra kế hoạch".

Tất cả những gì quan trọng nhất để hình thành nên một trung tâm đào tạo trẻ là yếu tố con người giỏi và chiến lược đào tạo. Thế nhưng ở đây đều không có được, thì chuyện thành bại xem ra là quá rõ ràng. Các vị lãnh đạo của VFF nhiệm kỳ này đang để lại thêm một công trình ngổn ngang nữa cho những người sẽ tiếp quản họ vào năm sau.

Đội tuyển Việt Nam bước vào buổi tập đầu tiên trong đợt tập huấn tại Hàn Quốc

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Chiều 23/11, đội tuyển Việt Nam đã bước vào buổi tập đầu tiên trong đợt tập huấn tại Hàn Quốc, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1