Bà Angela Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa. Ảnh: AP
Ngày 24/9, cử tri Đức đã đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội mới và từ đó là một chính phủ mới cho 4 năm sắp tới. Mặc dù chỉ thu được kết quả kém hơn nhiều so với cuộc bầu cử trước, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã giành chiến thắng, đồng nghĩa với việc bà Angela Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Ngày 20/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế công bố một báo cáo khẳng định là kinh tế Đức tăng trưởng nhanh hơn dự báo trước đó.
Tờ Neues Deutschland mới tóm tắt bản báo cáo trong số báo ra ngày 21/9 nhấn mạnh, kinh tế Đức trong năm 2017 sẽ tăng trưởng ở mức 2,2%, cao hơn 0,2% so với dự báo hồi đầu năm nay. Thông tin được đưa ra chỉ trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức vài ngày càng tạo thuận lợi cho Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và tất nhiên là cho Thủ tướng mãn nhiệm Angela Merkel.
12 năm bà làm Thủ tướng là 12 năm kinh tế Đức tăng trưởng vững chắc trong khi nhiều nước châu Âu ngả nghiêng vì khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công làm cho tăng trưởng trì trệ và thất nghiệp tràn lan.
Kinh tế Đức trong thời bà Angela Merkel vẫn tăng trưởng được trong bối cảnh đó phần nhiều là nhờ nước Đức đã cải cách thị trường lao động một cách cơ bản trong những năm trước đó. Tờ Le Telegramme của Pháp nhắc lại rằng từ năm 2003, trợ cấp thất nghiệp sáp nhập với trợ cấp xã hội, người thất nghiệp chỉ được hưởng trợ cấp trong có một năm và trong một 1,5 năm nếu trên 55 tuổi, một biện pháp mạnh nhằm ép người thất nghiệp phải tích cực đi tìm việc mới hay học nghề mới.
Người thất nghiệp buộc phải chấp nhận công việc mà cơ quan quản lý tìm cho, nếu không chấp nhận đến lần thứ hai sẽ bị cắt trợ cấp. Nước Đức cho phép chủ sử dụng lao động thuê nhân công với giá 10 EUR/giờ và không phải đóng bảo hiểm. Luật cũng được sửa đổi để chủ sử dụng lao động có thể sa thải nhân công dễ dàng hơn mà không quá tốn kém tiền bồi thường. Tuy nhiên, những biện pháp mạnh có vẻ có lợi cho giới chủ và thiệt hại cho người lao động đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình lớn hồi đó.
Nhưng rồi những cải cách đó đã làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn và năng động hơn. Sa thải nhân công dễ dàng hơn làm cho người lao động buộc phải chăm chỉ hơn, buộc phải chịu khó học hỏi hơn, do sợ mất việc. Chủ sử dụng lao động dễ dàng sa thải người không còn phù hợp nữa để tuyển người khác phù hợp hơn, cũng làm cho doanh nghiệp năng động hơn.
Tờ Le Figarocủa Pháp viết: "Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đang ở mức thấp nhất kể từ 25 năm trở lại đây, 5,7%" trong khi mức trung bình châu Âu là xấp xỉ 10%. Thậm chí, nước Đức còn đang thiếu nhân công với hơn 1 triệu chỗ làm còn trống đang không tìm được người phù hợp. Công ăn việc làm dồi dào là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định lựa chọn của cử tri Đức ngày 24/9.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!