Những nguồn tài nguyên cơ bản và thiết yếu là gốc rễ của nhiều vụ đụng độ, nhưng chỉ riêng tranh chấp về nước sẽ không gây ra bạo lực. Thay vào đó, nước có thể được coi như một tác nhân góp phần vào các vấn đề khác như sự nghèo khổ, bất bình đẳng và nạn đói.
Hàng loạt tranh chấp về nguồn nước của Iran
Sự gia tăng dân số, thực trạng đô thị hóa, cơ sở hạ tầng và quản trị kém đã và đang dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước ở Iran. Quốc gia này cũng chứng kiến sự bất hòa với nước láng giềng Afghanistan về vấn đề chia sẻ nguồn nước của sông Helmand. Iran lo ngại, đập Kamal Khan của Afghanistan, dự kiến hoàn thành trong năm 2020, sẽ hạn chế nguồn nước chảy vào một trong các tỉnh của Iran. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại rằng, tranh chấp về nguồn nước này có thể trở thành bạo lực.
Pakistan và tranh chấp về nguồn nước với Ấn Độ
Ấn Độ và Pakistan cùng chia sẻ nước sông Indus và tranh cãi đã tồn tại từ lâu giữa hai quốc gia này. Hai nước đã phân chia quyền sử dụng đối với sông Indus và các phụ lưu trong Hiệp ước Indus Waters năm 1960. Tuy nhiên, căng thẳng đã bùng phát trong thời gian gần đây. Pakistan cho biết, Ấn Độ đã ngăn không cho nước chảy vào địa phận nước Cộng hòa Hồi giáo này và cáo buộc, nước láng giềng sử dụng nước làm vũ khí trong cuộc tranh chấp đang diễn ra ở khu vực Kashmir.
Thảm họa nước tại Ấn Độ
Thảm họa về nguồn nước của Ấn Độ kéo dài với cuộc xung đột đang diễn ra trên sông Indus với Pakistan cho đến những đợt hạn hán nghiêm trọng ở nước này, nhiều lần gây ra tình trạng khủng hoảng thiếu nước trên khắp Ấn Độ. Những trận mưa gió mùa kéo dài gần đây đã làm tăng thêm mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng với ước tính cho thấy, 40% dân số Ấn Độ có thể không được tiếp cận với nước sạch vào năm 2030.
Nước sạch không được cung cấp hoặc bị thiếu ở nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: Deutsche Welle)
Nigeria liên tục đối mặt với những thách thức về nước
So với nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram, bạo lực liên quan đến nước ở Nigeria gây ra nhiều thương vong hơn. Ở phía Bắc Nigeria, nơi Boko Haram đã gây chiến từ năm 2010, nhóm phiến quân này cũng yêu cầu Chính phủ cung cấp nước sạch. Ở những khu vực khác, tình trạng không có mưa hoặc mưa diễn ra ít hơn thông thường tại các khu vực chăn thả của người dân đang khiến những người chăn gia súc Fulani theo đạo Hồi phải di chuyển đến vùng đất thuộc sở hữu của nông dân Cơ đốc giáo, dẫn đến các cuộc đụng độ.
Bạo lực liên quan đến nước căng thẳng ở Mali
Ở Mali, nông dân và những người chăn nuôi gia súc đã xảy ra xung đột vì tranh chấp nguồn tài nguyên đất và nước khan hiếm, trong bối cảnh căng thẳng sắc tộc, bạo lực giữa các nhóm vũ trang và sự gia tăng dân số. Vào năm 2019, sự kết hợp của những yếu tố này đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp gây chết người hàng loạt ở đồng bằng châu thổ nội địa sông Niger, một vùng đất ngập nước ở miền Trung Malian. Kế hoạch xây dựng các con đập của Chính phủ Mali có thể ảnh hưởng đến hơn 1 triệu nông dân, người chăn nuôi và đánh cá ở vùng đồng bằng, khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc khủng hoảng nước đa diện của Iraq
Cuộc khủng hoảng nước đang diễn ra rất phức tạp ở Iraq. Hạn hán, lượng mưa hàng năm giảm, thời tiết thay đổi và ô nhiễm đã góp phần vào cuộc khủng hoảng này. Chính phủ Iraq đã phải đối mặt với những lời chỉ trích không ngừng do không quản lý được nguồn nước một cách hợp lý và gây thêm bất ổn cho đất nước. Vào cuối năm 2019, Thủ tướng Iraq đã phải từ chức trong bối cảnh diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình phản đối, một phần vì thực trạng thiếu nước sạch và mất điện triền miên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!