Đây là hội nghị quốc tế uy tín được tổ chức thường niên, thảo luận về các vấn đề hệ trọng có liên quan mật thiết tới các quốc gia châu Á.
Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 24 đặt trọng tâm thảo luận những xung đột thương mại toàn cầu đang nổi lên trong thời gian gần đây và thái độ của các quốc gia châu Á trước chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohamad nhận định những quốc gia như Malaysia cần áp dụng chính sách bảo hộ cho những ngành công nghiệp non trẻ và các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau cần được đối xử khác nhau trong vấn đề tự do thương mại.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohamad nói: "Những quốc gia nhỏ như Malaysia khó cạnh tranh được trong một thế giới tự do thương mại. Ví dụ chúng tôi có tham vọng to lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô, tuy nhiên xe do chúng tôi sản xuất không xuất được sang các nước phát triển vì các rào cản kĩ thuật. Do vậy, chúng tôi cũng cần bảo hộ mặt hàng của mình để tăng số lượng tiêu thụ trong nước".
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có bài phát biểu khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với thương mại tự do, nhấn mạnh đến vai trò tích cực của thương mại trong việc giúp châu Á vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói: "Sự hình thành của hệ thống thương mại đa phương hoạt động trên cơ sở luật lệ thay vì sức mạnh là một thành quả to lớn của nhân loại. Là khu vực đi đầu về hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế với trên 150 Hiệp định thương mại tự do, chiếm 58% của thế giới, châu Á cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn nữa ủng hộ hệ thống thương mại đa phương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ".
Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hàn Quốc Kim Don Jon cho rằng bài học từ lịch sử cho thấy những quốc gia đi đầu luôn chấp nhận các xu hướng mới và sự đa dạng thay vì chủ nghĩa biệt lập.
Xung đột thương mại toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị tương lai châu Á năm nay. Các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Á đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xung đột thương mại toàn cầu và những hệ lụy tới tăng trưởng kinh tế. Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và làm tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa các quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!