Xung đột nguồn tài nguyên giữa con người và động vật hoang dã

An Ngọc-Thứ bảy, ngày 17/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên cạn kiệt dẫn đến tranh chấp không gian sinh tồn quyết liệt giữa con người và động vật hoang dã tại Kenya.

Vụ giết hại 10 con sư tử trong 1 tuần vào tháng 5 năm nay tại Vườn quốc gia Amboseli một lần nữa cho thấy sự gia tăng xung đột giữa con người và động vật hoang dã.

Giữa không gian mênh mông tại Mbirikani, Kenya, cuộc đấu tranh để cùng tồn tại với sư tử, biểu tượng của vùng hoang dã châu Phi diễn ra hàng ngày. Con người và động vật hoang dã bị kéo vào cuộc chiến giành nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu.

Trong thời gian hạn hán, không có thức ăn, sư tử thường nhắm đến các chuồng gia súc, cuộc chiến giữa người và thú đã nổ ra. Tháng 5 vừa qua, một con sư tử 19 năm tuổi đã bị những người chăn nuôi gia súc giết chết khi lang thang vào chuồng gia súc để tìm kiếm thức ăn ở ngoại ô Vườn Quốc gia Amboseli. Nó là một trong những con sư tử già nhất ở Kenya.

Xung đột nguồn tài nguyên giữa con người và động vật hoang dã - Ảnh 1.

Trong cùng tuần, tại khu vực Mbirikani, Hạt Kajiado, thêm 6 con sư tử từ Vườn Quốc gia Amboseli đã bị những người chăn gia súc đâm sau khi chúng giết mấy con dê. Cùng với những vụ việc khác, số sư tử bị giết bởi những người chăn gia súc chỉ trong một tuần lên con số 10. Người chăn nuôi có cái lý của họ, nhưng cuộc xung đột giữa con người và động vật hoang dã leo thang khiến chính phủ và các nhà bảo tồn lo lắng.

Ông Joel Kirimbu - Người chăn gia súc: "Có sự chênh lệch đáng kể giữa giá trị gia súc của chúng tôi và số tiền mà chúng tôi được bồi thường nếu gia súc bị động vật hoang dã ăn thịt. Bò đắt lắm, tiền bồi thường chẳng thấm vào đâu. Thế nên chúng tôi phải tìm mọi cách bảo vệ gia súc của mình".

Xung đột nguồn tài nguyên giữa con người và động vật hoang dã - Ảnh 2.

Ông Daniel Ole Sambu - Chương trình bảo vệ động vật Big Life Foundation: "Đạo luật quản lý động vật hoang dã khá rõ ràng, sư tử cùng với tê giác và voi là những loài có nguy cơ tuyệt chủng, vì vậy nếu giết chúng, người đó có thể phải ngồi tù với mức án tù chung thân, bị phạt tiền hoặc cả hai. Giết bất kỳ động vật hoang dã nào là bất hợp pháp, còn nếu giết một loài có nguy cơ tuyệt chủng thì lại càng nguy hiểm hơn".

Sau vụ giết hại, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới cho biết, việc mất môi trường sống và biến đổi khí hậu đã đe dọa số lượng sư tử trong tự nhiên tại Kenya. Các nhà môi trường học kêu gọi Chính phủ Kenya sớm đưa ra các biện pháp để vừa có thể đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi gia súc, vừa bảo vệ được các loài động vật hoang dã.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước