Theo Bloomberg đưa tin hôm 10/5, vệc kiểm tra tàu chở hàng hàng ngày đã bị gián đoạn sau khi các bên không thống nhất được việc cho phép các tàu vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu mới ở Biển Đen, gây ra sự chậm trễ trong việc giao ngũ cốc.
Điều này tuân theo các hạn chế do Liên minh châu Âu áp đặt đối với việc xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia trước vụ thu hoạch tiếp theo.
Đầu tháng 5, Ủy ban châu Âu đã công bố "các biện pháp hạn chế đặc biệt và tạm thời đối với hàng nhập khẩu" liên quan tới bốn mặt hàng nói trên để "giảm bớt tắc nghẽn hậu cần" tại năm quốc gia thành viên EU trong ít nhất một tháng.
Năm 2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận cho phép xuất khẩu an toàn ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận này cũng yêu cầu các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Vào tháng 3, Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, đến ngày 18/5, cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận trừ khi việc xuất khẩu của Nga không bị phương Tây ngăn chặn.
Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đã nhiều lần yêu cầu Mỹ và EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngăn cản nước này xuất khẩu nông sản và phân bón. Các yêu cầu của Moscow bao gồm cả việc mở lại đường ống dẫn khí amoniac.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các quan chức Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc sẽ bắt đầu đàm phán gia hạn thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tại Istanbul trong tuần này.
Trong khi đó, lượng nông sản xuất khẩu của Ukraine qua Biển Đen đã giảm hơn 25% trong tháng 4 so với tháng trước đó, theo dữ liệu của Liên hợp quốc. Công ty tư vấn Ukraine UkrAgroConsult thông tin, lưu lượng vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt đến các quốc gia phía Đông EU cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 10 tháng qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!