Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021

Việt Linh (Nguồn: Bloomberg, CNN, CNBC và Marketwatch)-Thứ sáu, ngày 29/10/2021 06:19 GMT+7

VTV.vn - Sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lập mạng truyền thông xã hội mới, đã góp phần hâm nóng trở lại sự chú ý với SPAC – mô hình lên sàn đang bùng nổ trong năm nay.

Làn sóng SPAC "nóng lên" nhờ sức hút của người nổi tiếng

Kế hoạch thiết lập một mạng xã hội mới mang tên Truth Social (Mạng xã hội Sự thật) đã chính thức đánh dấu sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump với truyền thông mạng xã hội, sau khi ông bị cả hai nền tảng lớn Facebook và Twitter khóa tài khoản với lý do "kích động bạo lực" trong sự kiện đột nhập tòa nhà Quốc hội hôm 6/1.

Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Công ty điều hành mạng xã hội mới của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lên sàn thông qua SPAC (Nguồn: NYT)

Đồng thời, gây chú ý không kém chính là Tập đoàn Công nghệ & Truyền thông Trump (TMTG) - công ty do vị tổng thống thứ 45 của Mỹ thành lập nhằm điều hành dự án trên. Với việc đã ngay lập tức có thỏa thuận với công ty séc trắng (SPAC) mang tên Digital World Acquisition Corp (DWAC) - đang niêm yết trên sàn Nasdaq, công ty này đã giúp ông Trump nối dài thêm danh sách những người nổi tiếng gia nhập làn sóng SPAC như ca sĩ Ciara, cựu vận động viên bóng rổ Shaquille O'Neal và cả những nhân vật trong chính giới như cựu chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, hay một trong những người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Bill Clinton.

Nhà sáng lập và CEO của DWAC, Patrick Orlando cho rằng: "Với quy mô thị trường truyền thông rộng lớn và lượng người ủng hộ đông đảo của cựu Tổng thống Trump, chúng tôi tin rằng TMTG có thể đem lại giá trị cao cho các cổ đông". Công ty này dự báo thương vụ với TMTG có thể đem lại giá trị 875 triệu USD và vốn hóa trên thị trường của công ty TMTG tương lai có thể chạm ngưỡng 1,7 tỷ USD.

Sức hút của vị cựu tổng thống Mỹ cũng đã ngay lập tức thể hiện sức hút với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí ngang ngửa với làn sóng tiền kỹ thuật số, khi quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bằng bitcoin đầu tiên ProShares cũng vừa lên sàn hồi tuần trước.

Ngay sau thông báo về thương vụ được đưa ra, cổ phiếu DWAC đã tăng vọt hơn 4 lần giá trị chỉ trong 1 phiên, và nhiều lần bị tạm dừng giao dịch do lượng đặt mua vào quá lớn. DWAC cũng là tên được nhắc đến nhiều nhất trên phòng chat Stockwits dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như mục WallStreetBets của mạng xã hội Reddit - diễn đàn đã góp phần tạo ra cơn sốt cổ phiếu GameStop hồi đầu năm.

Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021 - Ảnh 2.

Nhiều nhân vật nổi tiếng từ nghệ sĩ, vận động viên tới chính trị gia cũng tham gia đầu tư các công ty SPAC (Nguồn: NYT)

Bên cạnh các cá nhân, thị trường SPAC cũng trở nên "nóng" trong suốt cả năm nay khi có sự tham dự của những doanh nghiệp đình đám. Cũng trong tháng 10 này, WeWork, start-up cho thuê văn phòng từng IPO hụt cách đây 2 năm, cuối cùng đã chính thức niêm yết tại sàn New York, với mức định giá 8 tỷ USD, chỉ hơn 1/6 so với con số 47 tỷ USD ngay thời điểm trở thành "kỳ lân gãy cánh" tại Phố Wall.

Một start-up hàng đầu tại Đông Nam Á - Grab đã đạt thỏa thuận lên sàn với công ty SPAC Altimeter vào tháng 4. Trong khi đó, sau khi thành công với thương vụ SPAC của hãng du lịch vũ trụ Virgin Galactics năm ngoái, tỷ phú Anh Richard Branson đã trở lại thị trường này năm nay với việc tách riêng công ty con Virgin Orbit ở mảng phóng vệ tinh và cũng sẽ niêm yết qua SPAC.

Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021 - Ảnh 3.

Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson là một trong những cái tên đình đám lên sàn tại Mỹ qua SPAC (Nguồn: CNBC)

Những thương vụ mới đang góp phần tạo động lực trở lại cho thị trường SPAC sau giai đoạn tương đối trầm lắng hồi giữa năm nay. Trong quý II, chỉ 16 tỷ USD được huy động thông qua các SPAC, giảm mạnh so với con số 88 tỷ USD của quý I. Dù vậy đến thời điểm này, năm 2021 vẫn chứng kiến kỷ lục mới về hoạt động SPAC khi đã có 486 vụ lên sàn được thực hiện, đem về số vốn hơn 135 tỷ USD.

Thị trường SPAC tiếp tục đối diện nhiều thách thức

SPAC, hay Công ty thâu tóm với mục đích đặc biệt, còn gọi là "công ty séc trắng" thực tế là những công ty "rỗng" không có hoạt động thương mại. Mục tiêu chúng được lập ra chỉ nhằm niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động tiền từ các nhà đầu tư. Các SPAC sau đó sẽ tìm và hợp nhất với một doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng, gián tiếp đưa công ty này lên sàn đồng thời cho phép các nhà đầu tư ban đầu được sở hữu một lượng cổ phiếu công ty mới với giá thấp hơn thị giá.

Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021 - Ảnh 4.

SPAC là "con đường tắt" giúp các start-up có thể gọi vốn và lên sàn nhanh hơn phương thức IPO truyền thống (Nguồn: Bloomberg)

Yếu tố chính giúp SPAC trở thành xu thế đầu tư "thời thượng" của năm nay, chính là việc chúng giúp giải quyết một loạt khó khăn cho các start-up muốn lên sàn, như thủ tục về minh bạch tài chính, định hướng kinh doanh… vốn tương đối khắt khe nếu đi qua quy trình IPO truyền thống – những điều đã khiến WeWork "ngã ngựa" cách đây 2 năm. Vai trò "vỏ bọc" của SPAC giúp những tên tuổi này có được nguồn vốn cần thiết và vẫn có thể lên sàn hợp pháp, dù chưa tạo đủ uy tín hay có lợi nhuận hấp dẫn với các nhà đầu tư truyền thống.

Dù vậy, những điểm mạnh này cũng đang được xem là "lỗ hổng" mà giới chức Mỹ đang muốn siết chặt lại trong thời gian gần đây. Hồi tháng 4, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã ban hành hướng dẫn chặt chẽ hơn liên quan đến ghi chép kế toán của các công ty SPAC, kéo thị trường này gần như đóng băng trong suốt quý II.

Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021 - Ảnh 5.

Việc giới chức Mỹ đưa ra các cảnh báo đã khiến hoạt động SPAC chững lại vào giữa năm nay (Nguồn: Bloomberg)

SEC cũng từng nhận định rằng sự bùng nổ của làn sóng SPAC "tạo thêm rủi ro cho các nhà đầu tư", đặc biệt là từ làn sóng người nổi tiếng hiện nay. Cơ quan này cảnh báo các nhà đầu tư nhỏ lẻ: "Cũng như mọi nhà đầu tư khác, người nổi tiếng cũng như mọi người khác có thể bị thu hút tham gia những thương vụ quá mạo hiểm, trong khi thường họ có thể chịu thua lỗ tốt hơn những người khác. Bỏ tiền vào một SPAC chỉ vì một người nổi tiếng nói rằng đây là khoản đầu tư tốt không bao giờ là ý tưởng hay".

Dù có lên sàn thành công bằng SPAC, thì khả năng sinh lời vẫn sẽ là một vấn đề then chốt với các start-up trong dài hạn. Một minh chứng rõ ràng chính là WeWork: 2 năm sau khi IPO thất bại và đã lên sàn bằng "cửa sau", công ty này vẫn chưa thể sinh lời.

Xu hướng SPAC “nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021 - Ảnh 6.

Dù đã lên sàn qua SPAC nhưng WeWork hiện vẫn chưa thể sinh lời (Nguồn: CNBC)

Giáo sư Jay Ritter, chuyên gia về IPO tại Đại học Florida bình luận: "WeWork hiện có tỷ lệ lấp chỗ tương đối thấp, chỉ từ 55-58%. Nó vẫn đang lỗ gần 1 USD cho mỗi USD doanh thu, nhưng một lợi thế từ tỷ lệ lấp chỗ thấp, đó là công ty này còn dư địa để tăng doanh thu mà không ảnh hưởng nhiều đến chi phí". Nhìn rộng ra, ông cho rằng, những công ty có doanh thu từ 100 triệu USD trở xuống thì cổ phiếu khi lên sàn hầu như sẽ không thể có kết quả tốt so với xu hướng chung của thị trường.

Những điều này sẽ khiến bức tranh xung quanh thương vụ đầy tham vọng của công ty Truyền thông Trump phần nào kém lạc quan hơn. Khác với những vụ SPAC thông thường, vị cựu Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch này đi cùng một dự án hoàn toàn mới, với mạng xã hội Truth Social sẽ chỉ bắt đầu ra bản thử nghiệm từ tháng 11 này. Điều đó có nghĩa là doanh thu công ty TMTG ở thời điểm này hầu như vẫn bằng 0 - một yếu tố có thể khiến không ít nhà đầu tư "nhíu mày" khi quan tâm tới triển vọng tương lai của thương vụ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước