Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với ít nhiều thách thức, giới trẻ nước này đang có xu hướng thắt chặt hầu bao hơn. Họ có thể ít đi ăn nhà hàng hơn, bớt phóng tay cho những món đồ đắt đỏ, nhưng có một thứ mà những người trẻ vẫn chăm chỉ đầu tư, thậm chí còn đầu từ mạnh tay hơn trước, đó chính là sức khỏe.
Không chọn trà sữa trân châu - món đồ uống vốn được giới trẻ ưa thích - để mở quán, anh Tommy Qin đã quyết định chọn trà thảo mộc để kinh doanh tại thành phố Thượng Hải. Và dù là trà thảo mộc, nhóm khách hàng mục tiêu của anh chính là giới trẻ. Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc theo đuổi lối sống dưỡng sinh - tức là nuôi dưỡng sự sống, hướng tới sự cân bằng, khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Anh Tommy Qin - chủ quán trà thảo mộc - nói: "Gia đình tôi làm nghề sản xuất dược liệu. Nhân cơ hội này, cũng như mong muốn khởi động một dự án vì sức khỏe giới trẻ, tôi đã mở quán trà thảo dược".
Chị Annie Huang - khách hàng - cho biết: "Trà này khá là đắng nhưng tôi biết nó tốt cho gan nên tôi vẫn uống. Những người trẻ như tôi thực sự thích lối sống dưỡng sinh này".
Sau đại dịch COVID-19, nhiều người trên thế giới đã để tâm nhiều hơn đến sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ - những người vốn tự tin vào sức trẻ của mình. Giới trẻ Trung Quốc cũng vậy, nhưng họ đã tạo ra một xu hướng riêng, với việc mang vào đó khái niệm truyền thống dưỡng sinh.
Cuộc sống căng thẳng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn là vấn đề gây đau đầu, cũng là những yếu tố khiến người trẻ Trung Quốc ngày càng chú trọng lối sống dưỡng sinh hơn. Thay vì đồ ăn nhanh, họ tìm đến thực phẩm lành mạnh như kỷ tử, bổ sung gừng vào bữa ăn, tránh những loại thực phẩm có tính hàn. Cùng với đó là các bài xoa bóp để điều trị nhiều loại bệnh. Nhiều người ghi danh vào các lớp học y cơ bản hoặc lớp học về lối sống lành mạnh để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Chị Zhang Shiyu - học viên lớp Đông y - chia sẻ: "Giới trẻ ngày nay phải chịu nhiều áp lực nên sức khỏe có thể không ở tình trạng tốt nhất. Vì vậy, nhiều người muốn thay đổi lối sống. Bây giờ trên mạng có rất nhiều nội dung về dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe nên dễ trở thành xu hướng".
Dù có phải "thắt chặt hầu bao" hơn nhưng việc chi tiêu cho sức khỏe, đặc biệt là trong thế hệ Millennials (sinh khoảng từ năm 1981 - 1996) và Gen Z (sinh khoảng từ năm 1997 - 2012) tại Trung Quốc vẫn là một điểm sáng. Công ty nghiên cứu người tiêu dùng Kantar Worldpanel cho biết việc chi tiêu dành cho sức khỏe của nhóm tuổi này chắc chắn tăng nhiều hơn các danh mục khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!