Đây là cảnh báo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 18/4.
Trong 28 ngày qua, WHO nhận được báo cáo về 3 triệu ca mắc mới và trên 23.000 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Chuyên gia WHO cho biết, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 đang có xu hướng giảm, tuy nhiên con số này hiện vẫn ở còn ở mức cao. WHO khẳng định vẫn theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng.
Theo báo cáo của WHO, trong một tháng qua, số người mắc COVID-19 tại Đông Nam Á đã tăng 481%. Mức gia tăng mạnh nhất thế giới này đã làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát diện rộng trong khu vực.
Đài Sputnik của Nga dẫn báo cáo tình hình dịch bệnh hàng tháng của WHO cho biết, số ca mắc mới trong 28 ngày (từ ngày 13/3 - 9/4) đã giảm xuống ở bốn trong số sáu khu vực được theo dõi gồm châu Phi, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 lại tăng lên ở hai khu vực Đông Nam Á (481%) và Đông Địa Trung Hải (144%).
Tỷ lệ mắc tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1.198%, từ 49 ca lên 636 ca mới. Tiếp theo là mức tăng 937%, từ 6.374 ca lên 66.124 ca ở Ấn Độ và tăng 614% từ 21 ca lên 150 ca ở Maldives.
WHO cho biết, số trường hợp tử vong do COVID-19 cũng tăng 109% ở Đông Nam Á và 138% ở Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đang giảm xuống.
Đáng chú ý, xu hướng gia tăng này diễn ra trong bối cảnh biến thể phụ mới của Omircon là Arcturus đang chiếm ưu thế tại một số quốc gia và khiến WHO đặc biệt quan tâm. Biến thể phụ Arcturus lần đầu được phát hiện trong một mẫu xét nghiệm hồi tháng 1 và hiện đã được ghi nhận ở 29 quốc gia. Đến cuối tháng 2, chủng Arcturus chiếm 0,21% các trường hợp trên toàn thế giới. Một tháng sau, con số này đã tăng lên 3,96%.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 là dấu hiệu cho thấy, virus SARS-CoV-2 đang chuyển sang trạng thái đặc hữu. Thực tế rằng phần lớn ca bệnh có triệu chứng và mức độ bệnh khá nhẹ cho thấy, COVID-19 sẽ tiếp tục "sống chung" với con người trong tương lai gần, gây bệnh nhẹ theo mùa, giống như các loại virus corona khác ở người gây ra khoảng 30% ca bệnh cảm lạnh thông thường.
Đối mặt với diễn biến đáng chú ý trên, Chính phủ các nước Đông Nam Á đều cảnh giác đề phòng virus SARS-CoV-2 lan rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!