Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Phát biểu họp báo tại trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneve (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO nêu rõ, trong tuần qua, WHO nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh không qua khỏi do COVID-19. Dù đây là mức giảm theo tuần thấp nhất kể từ hơn một năm qua nhưng nếu nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus.
Trong khi đó, ông William Rodriguez, người đứng đầu liên minh chẩn đoán toàn cầu FIND, cũng phản ánh việc chính phủ nhiều nước giảm theo dõi các ca mắc COVID-19 trong những tháng gần đây. Theo ông Rodriguez, trong 4 tháng qua, dù làn sóng dịch do biến thể Omicron lan mạnh nhưng tỷ lệ xét nghiệm đã giảm từ 70% - 90% trên toàn cầu. Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ xét nghiệm giảm cho dù việc tiếp cận với xét nghiệm chính xác đã thuận lợi hơn nhiều so với trước. Ông Rodriguez cho rằng, việc cắt giảm xét nghiệm COVID-19 sẽ khiến thế giới trở nên "mù mịt" trước những gì đang xảy ra với virus SARS-CoV-2.
WHO cho rằng dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc. (Ảnh: AP)
Dịch COVID-19 đã khiến hơn 6 triệu người trên toàn cầu tử vong kể từ dịch bệnh này bùng phát vào cuối năm 2019. Trong khi nhiều nước đang dần dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch và trở về cuộc sống như trước, WHO cho rằng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, virus SARS-CoV-2 chưa biến mất. Ông nhấn mạnh, loại virus này vẫn đang lây lan, biến đổi và gây ra các ca tử vong. Theo người đứng đầu WHO, mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm là hiện hữu và dù số ca tử vong giảm, con người vẫn chưa hiểu rõ hết những hậu quả về lâu dài đối với những người đã khỏi bệnh này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!